Việt Nam có cơ sở trở thành nước mạnh về CNTT

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin trong 10 năm tới.
Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị với các đối tác quốc tế để triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Chính phủ luôn dành sự quan tâm và đầu tư cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp công nghệ thông tin những năm gần đây luôn duy trì ở mức 20%/năm.

Với ưu điểm là đội ngũ nhân lực trẻ, chăm chỉ, thông minh, nhạy bén cùng giá thành nhân công rẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có tiềm năng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất thế giới và đang từng bước gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Một số doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được vị trí của mình tại thị trường nội địa và hướng ra nước ngoài như: Tập đoàn Viettel, FPT, VNPT, VTC... Từ những yếu tố trên, Việt Nam có cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin trong 10 năm tới.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành công nghệ thông tin truyền thông nước nhà, như đội ngũ lao động còn thiếu các kỹ năng mềm, yếu về ngoại ngữ; cơ sở hạ tầng và dịch vụ băng thông rộng đã được đầu tư xây dựng nhưng khả năng tận dụng lợi thế sẵn có chưa triệt để.

Vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; xây dựng các trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, trung tâm máy tính theo tiêu chuẩn tiên tiến thế giới.

Đại diện một số doanh nghiệp nước ngoài Intel, Cisco, Huawei, IBM... đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Cụ thể như mở rộng kết nối băng thông rộng tới khu vực nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin có nguồn tín dụng tốt hơn để đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo trên thị trường Việt Nam.

Đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia và tích hợp vào chương trình đào tạo nhiều học phần về công nghệ cao, để nâng cao chất lượng lao động công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quốc tế./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục