Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuyên gia trong ngành cho rằng tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng đang củng cố hơn nữa vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Truyền thông Thái Lan ngày 11/12 có bài viết đánh giá vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua sự chuyển đổi đáng kể, được đánh dấu bằng tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và nguồn xuất khẩu có nhu cầu cao.

Theo bài viết trên Trang nationthailand.com, kể từ đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc cao nhất với 8,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng tốc độ tăng trưởng FDI ngày càng tăng đang củng cố hơn nữa vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Bài báo dẫn lời bà Fion Ng, Giám đốc Điều hành của Công ty BW Industrial, cho biết đơn vị này nhận thấy nhu cầu thuê nhà tăng mạnh hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thực tế là hàng hóa liên quan đến công nghệ cao.

Điều này cũng được phản ánh tương tự trong hồ sơ khách thuê của BW Industrial, nơi mà hơn 40% diện tích nhà máy thực sự lớn của công ty này có khách hàng thuê là các công ty trong ngành công nghệ cao và liên quan đến điện tử.

Bài báo nhấn mạnh chi phí lao động thấp hơn và khả năng kết nối tốt hơn đã khiến Việt Nam trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu.

Tính đến cuối tháng 7/2023, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với tất cả các đối tác kinh tế lớn và cũng là một thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục