Ngày 28/10, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc-Luyện kim Việt Nam tổ chức Hội nghị Đúc châu Á lần thứ 13 tại Hà Nội với sự tham gia của 130 đại biểu quốc tế và hơn 100 đại biểu trong nước.
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc-Luyện kim Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết ngành đúc có vai trò quan trọng trong ngành cơ khí chế tạo, đóng vai trò là ngành công nghiệp hỗ trợ, một khâu trung gian kết nối giữa ngành luyện kim và ngành cơ khí chế tạo, từ đó hình thành các sản phẩm công nghiệp cung cấp cho xã hội.
Trên thực tế, ngành đúc có thể chiếm 40-70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Ngành đúc Việt Nam được đặt nền móng từ thập niên 60 của thế kỷ 20, và cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp gang thép, trong thời kỳ đổi mới, ngành đúc Việt Nam đạt được những kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng.
Chủ tịch Phạm Chí Cường đánh giá hiện nay, việc thống kê sự phát triển của ngành đúc trên thực tế chưa đạt được mức độ chính xác, toàn diện. Do đó, các số liệu về sản lượng, dạng sản phẩm công nghiệp, trình độ công nghệ và thiết bị của ngành còn thiếu. Đã đến lúc ngành công nghiệp đúc cần phải có một tài liệu chỉ dẫn cụ thể hơn, chính xác hơn đối với địa chỉ các cơ sở công nghiệp đúc trên phạm vi cả nước.
Không chỉ mở ra khả năng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, chỉ dẫn sẽ là công cụ cho các khách hàng quốc tế nhanh chóng tìm được địa chỉ đặt hàng hoặc liên doanh sản xuất một cách phù hợp nhất. Đây cũng là cơ sở tham khảo đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp đúc-luyện kim Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, châu Á là khu vực có nhiều lợi thế để phát triển ngành đúc. Theo thống kê của Hiệp hội Đúc thế giới, sản lượng đúc của châu Á chiếm 50% sản lượng đúc toàn thế giới.
Với Việt Nam, ngành đúc đang phát triển trong tình trạng trình độ thấp cả về sản lượng và chất lượng, sản lượng đúc dự kiến đến năm 2020 mới đạt 2 triệu tấn/năm. Các xưởng đúc đã đáp ứng được nhu cầu trong nước với mức độ vừa phải. Khả năng cạnh tranh của các mặt hàng đúc mới chỉ diễn ra đối với lĩnh vực sản xuất trong nước.
Cách tổ chức sản xuất hiện nay không nâng cao được yếu tố cạnh tranh vì các tập đoàn, tổng công ty đều có xí nghiệp đúc riêng để phục vụ nhu cầu đặc thù của ngành.
Xu hướng chuyển dịch công nghệ đã hoàn thiện trong lĩnh vực luyện kim, cơ khí từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đã có tác động tích cực đến Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng mạnh.
Trong thời gian tới, Nhà nước quyết tâm thực hiện các chương trình cơ khí trọng điểm, sẽ có nhiều dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt, ngành đúc sẽ có nhiều cơ hội tiếp thu các công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng chi tiết đúc.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh đối với các nước phát triển sau, trong đó có Việt Nam, cần tích cực đổi mới công nghệ, làm động lực thu hút đầu tư nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn xuyên quốc gia, tận dụng cơ hội để thừa hưởng nhiều lợi ích từ các đầu tư này.
Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Thái, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc-Luyện kim Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh thay đổi cách nghĩ, cách làm; nhanh chóng xóa bỏ cơ chế tự cấp tự túc làm cho các xưởng đúc nhỏ lẻ, manh mún và nằm trong tình trạng lạc hậu; xây dựng đội ngũ có khả năng thiết kế và chế tạo thiết bị và dây chuyền đúc nằm trong ngành cơ khí; xây dựng hệ thống các doanh nghiệp đúc tập trung phục vụ cho các ngành công nghiệp hoặc khu vực rộng theo hướng chuyên môn hóa cao về sản phẩm./.