Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030.
Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine dùng cho tiêm chủng dịch vụ và vaccine dùng trong phòng, chống dịch.
[TP Hồ Chí Minh: Nguy cơ thiếu nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng]
Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine; sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine, trong đó có vaccine phòng bệnh phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh do Haemophilus Infunezae (Hib) và một trong hai bệnh bại liệt hoặc viêm gan B.
Đến năm 2030, nước ta làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vaccine; sản xuất tối thiểu 5 loại vaccine; các vaccine sản xuất trong nước đảm bảo đạt chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.
Về giải pháp cơ chế, chính sách, Chính phủ nêu rõ cần nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhất là đối với vaccine phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vaccine mới chưa có tại Việt Nam; các vaccine phối hợp và các loại vaccine phòng bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Quyết định cũng đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành, đấu thầu, mua sắm, cung ứng và sử dụng vaccine để triển khai thực hiện hiệu quả.
Về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho mở rộng quy mô hệ thống kiểm định, phát triển trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về vaccine.
Các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để phục vụ sản xuất vaccine phòng bệnh ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần và các vaccine khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch đồng thời hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, khai thác sáng chế…
Về giải pháp về nhân lực, đào tạo và hợp tác quốc tế, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia trong nước và nước ngoài về nghiên cứu vaccine; thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế các nước phát triển.
Chính phủ cũng nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 bao gồm nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) theo quy định; nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng theo quy định của pháp luật.
Kinh phí lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án, dự án có liên quan của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương và các địa phương.
Quyết định của Chính phủ giao Bộ Y tế tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm về số lượng, chất lượng, nguồn cung vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030; tăng cường hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vaccine viện trợ, tài trợ, cho, tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất vaccine, đặc biệt là các vaccine phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vaccine mới, chưa có tại Việt Nam; các vaccine phối hợp, vaccine để phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Tài chính bố trí ngân sách cho chương trình tiêm chủng mở rộng để đáp ứng đủ nhu cầu cho việc triển khai các hoạt động tiêm chủng; Nghiên cứu đề xuất chính sách về tài chính để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước./.