'Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN'

Chuyên gia Nga cho rằng Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong các tổ chức quốc tế và khu vực, thậm chí giữ vai trò đầu tàu trong ASEAN.
Bìa cuốn sách "Việt Nam cất cánh". (Ảnh: Hồng Quân/Vietnamplus)
Bìa cuốn sách "Việt Nam cất cánh". (Ảnh: Hồng Quân/Vietnamplus)

Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, nhiều chuyên gia, học giả Nga đã bày tỏ tin tưởng vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga-ASEAN.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong hai ấn phẩm mới xuất bản gần đây tại Nga nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” Grigory Trofimchuk và Tiến sỹ khoa học chính trị Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư Khoa Phương Đông học, Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra nhiều đánh giá, phân tích vai trò quan trọng này của Việt Nam.

Trong bài viết “Vai trò và vị trí của Việt Nam trong hợp tác Nga-ASEAN” đăng trong kỷ yếu “Quan hệ Nga-Việt ngày nay: Những lĩnh vực lợi ích song trùng,” Tiến sỹ Ekaterina Koldunova cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam có đặc điểm nổi bật là tần suất các cuộc gặp cấp cao nhiều hơn và cơ cấu hợp tác nhân văn dày đặc hơn so với các quốc gia thành viên còn lại của ASEAN.

Trước thời điểm quan hệ đối tác chiến lược Nga-ASEAN được thiết lập, ở cấp độ song phương, Nga và Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án kinh tế đặc biệt, với sự tham gia của Liên doanh Vietsovpetro, các công ty Rusvietpetro, Gazpromviet, Trung tâm Nhiệt đới Nga-Việt…

Năm 2015, hiệp định về khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã được ký kết và có hiệu lực kể từ năm 2016.

Đây là hiệp định FTA đầu tiên giữa EAEU và một quốc gia Đông Nam Á.

Đáng chú ý là khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010, Nga đã được mời tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).

Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác đối thoại (ADMM +) cũng giúp Nga thiết lập một loạt các kênh liên lạc mới với các nước ASEAN.

'Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN' ảnh 1Cuốn kỷ yếu Quan hệ Nga-Việt. (Ảnh: Hồng Quân/ Vietnam+)

Nga và Việt Nam có truyền thống chia sẻ những đánh giá về nhiều vấn đề chiến lược liên quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Nga ủng hộ việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua năm 2002, và ủng hộ việc sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong năm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải giải quyết hàng loạt nhiệm vụ phức tạp, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và toàn cầu...

[Nga đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và ASEAN]

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Ekaterina Koldunova, vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam dường như vẫn "đầy triển vọng," có thể xuất hiện các lĩnh vực hợp tác độc đáo giữa Nga và ASEAN, với nền tảng chủ yếu dựa vào hướng hợp tác song phương Nga-Việt trong các lĩnh vực quân y, ứng phó với tình huống khẩn cấp, hợp tác khoa học chống lại các nguy cơ và thách thức do dịch bệnh gây ra.

Trong cuốn sách “Việt Nam cất cánh” của chuyên gia về các vấn đề quốc tế Grigory Trofimchuk, tác giả đã dành nhiều trang để nói về vai trò của Việt Nam trong việc kết nối, quảng bá hình ảnh của ASEAN không chỉ ở Nga, mà trên phạm vi toàn thế giới.

Chuyên gia Nga cho rằng Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong các tổ chức quốc tế và khu vực, thậm chí giữ vai trò đầu tàu trong ASEAN.

Việt Nam xứng đáng được trao giải thưởng vì những đóng góp trong việc nâng cao hình ảnh của ASEAN trên phạm vi toàn cầu.

Ông Grigory Trofimchuk khẳng định “Việt Nam là một đối tác thực sự tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, là hướng ưu tiên của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương.”

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực, chủ động trong các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hai lần trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao.

Theo chuyên gia Nga, Việt Nam không chỉ đang tích cực tham gia các công việc quốc tế, tham gia tiến trình hội nhập trên nhiều lĩnh vực, mà còn đóng góp vào việc định hình thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục