Việt Nam-Hà Lan đẩy mạnh hợp tác phát triển thủy sản bền vững

Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển thủy sản bền vững dưới những góc độ như đổi mới bền vững, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận toàn diện.
Việt Nam-Hà Lan đẩy mạnh hợp tác phát triển thủy sản bền vững ảnh 1Đại diện các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam cùng trao đổi kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ngày 7/9, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA), Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tổ chức diễn đàn Giao thương phát triển thủy sản bền vững Việt Nam-Hà Lan.

Với lợi thế cạnh tranh đặc biệt về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước nên hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ gần đây với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%.

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu thâm canh, nuôi công nghệ cao... đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất sản lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm này càng tăng của xã hội.

Đặc biệt, ngành hàng cá tra của vùng đã phát triển thành ngành công nghiệp với chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất chế biến thương mại khép kín đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần đây đang đối mặt với những tồn tại và thách thức; trong đó, nổi lên những vấn đề lớn là tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng nhiều, tình trạng xuất khẩu manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến làm hiệu quả kinh tế thấp và thiếu bền vững; cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thành tựu khoa học mới, nếu không tiếp cận kịp sẽ bị tụt hậu.

[Tạo nền tảng cho phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam]

Trong các chỉ đạo của Chính phủ đều nhấn mạnh định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững theo nguyên tắc thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển thủy sản là ngành quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt.

Tập trung nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị thủy sản theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với phát triển thị trường cho sản phẩm.

Diễn đàn sẽ là cơ hội hợp tác lâu dài và chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt là trong chiến lược tiếp cận tổng hợp liên ngành nước-nông nghiệp-hậu cần nông nghiệp, cũng như phát triển chuỗi giá trị bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam và Hà Lan sẽ hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu; đồng thời, quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cùng đó, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai tại châu Á cho EU.

Trong những năm gần đây, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU.

Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam-Daniël Stork tin tưởng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành nhà cung cấp thủy sản bền vững trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực khi dân số ngày càng gia tăng.

Hà Lan cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển thủy sản bền vững dưới những góc độ như đổi mới bền vững, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận toàn diện.

Khu vực nông nghiệp tư nhân của Hà Lan cùng hợp tác với Việt Nam giải quyết những thách thức liên quan đến chất lượng và hiệu quả nước; giảm chi phí dịch bệnh cho cá; giảm việc sử dụng kháng sinh trong lượng thức ăn tốt hơn và cải thiện di truyền cũng như đổi mới hệ thống và công nghệ; một số giải pháp dựa trên cơ sở tự nhiên và quy hoạch cảnh quan như trồng rừng ngập mặn, quy trình phân tầng cho nông nghiệp,...

Cho rằng nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang gặp thách thức về nguồn nước, ông Gerardo van Halsema, Trường Đại học và Nghiên cứu Wageningen đề xuất trong kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nên giảm hoặc không cho phép khoan, khai thác nước ngầm. Không thể sử dụng nước ngầm để nuôi trồng thủy sản.

Chính quyền, doanh nghiệp nuôi thủy sản tập trung phát triển các hệ thống mới giúp lưu thông nước nhưng cũng lưu thông chất dinh dưỡng trong các trang trại nuôi trồng thủy sản.

"Chúng ta phải phát triển một hệ thống mới mà nước ngọt, nước lợ có thể được cung cấp trong một kênh riêng biệt đến các ao nuôi trồng thủy sản; hệ thống thoát nước thải được đưa xuống kênh riêng, sau đó được tiếp xúc qua đai rừng ngập mặn, và rừng ngập mặn sẽ hoạt động như một bộ lọc tự nhiên tác động đến chất lượng nước và tuần hoàn dinh dưỡng của hệ thống nuôi trồng đa canh," ông Gerardo van Halsema gợi ý.

Tại diễn đàn, chuyên gia các bên liên quan cùng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hà Lan để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam; thảo luận về triển vọng và thách thức đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục