Việt Nam hướng tới phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững

Các nước cần tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ Xanh, phát triển kết cấu hạ tầng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng Xanh.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển giao thông vận tải bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển giao thông vận tải bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước, hướng tới phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng các nước cần tăng cường hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành giao thông; hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ Xanh, phát triển kết cấu hạ tầng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng Xanh.

Tham dự Diễn đàn cấp cao giao thông bền vững toàn cầu (năm 2023) từ ngày 25-27/9 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với chủ đề “Giao thông bền vững: Chung tay hợp tác trợ giúp phát triển toàn cầu”, Bộ trưởng Thắng cho biết là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững như đã xây dựng và thông qua đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí metan, carbon.

Bộ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh Việt Nam coi phát triển giao thông vận tải bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các chương trình, công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) với mục tiêu chung tay thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xác định chuyển đổi năng lượng Xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng Xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Tại Diễn đàn, Việt Nam mong muốn các nước cùng chia sẻ kinh nghiệm tốt, ý tưởng mới về giao thông thông minh, giao thông xanh, về công nghệ carbon thấp trong lĩnh vực cũng như thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác, tạo điều kiện cho các nước cùng tham gia, nghiên cứu, vận dụng, hợp tác hướng tới phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững.

Việt Nam hướng tới phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững ảnh 1Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số nội dung nhằm tăng cường hợp tác phát triển giao thông bền vững toàn cầu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Diễn đài, tham dự Hội nghị bàn tròn các bộ trưởng với chủ đề “Quản trị toàn cầu-Xây dựng quan hệ đối tác giao thông bền vững toàn cầu”, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam thống nhất quan điểm các nước cần tăng cường kết nối và hành động chung giữa khu vực và liên khu vực, cùng thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải.

“Việt Nam sẵn sàng đàm phán, ký kết, triển khai các hiệp định tạo thuận lợi vận tải song phương và đa phương nhằm tạo ra kết nối giao thông thông suốt phục vụ cho chuỗi cung ứng logistics ổn định trên toàn cầu,” ông Thắng khẳng định.

[Việt Nam quyết tâm với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050]

Người đứng đầu ngành giao thông cho biết thêm Việt Nam đồng tình với quan điểm rằng các nước phát triển cần có cơ chế hỗ trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các nước đang phát triển, kém phát triển, đảm bảo “không có quốc gia nào, không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình chuyển đổi giao thông bền vững, chống lại ảnh hưởng bất lợi và rủi ro tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, nâng cao tính thích ứng và khả năng phục hồi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng cũng đề nghị các nước tăng cường hợp tác trong xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế chung về giao thông bền vững toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải. Đây là một lĩnh vực tương đối mới đối với các nước đang phát triển và cần kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước phát triển trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

“Các nước cần tăng cường hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành giao thông vận tải; hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ Xanh, phát triển kết cấu hạ tầng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng Xanh. Mục tiêu là có được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực cho việc phát triển làm chủ giao thông vận tải Xanh, bền vững để có thể triển khai đầy đủ cam kết của COP26 và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nêu tại Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030,” Bộ trưởng Thắng nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị các nước tăng cường trao đổi, hợp tác để tìm kiếm các nguồn tài chính, hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn vốn ODA trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng như quá trình thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông tại các nước đang phát triển và kém phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục