Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Indonesia đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, hai bên đang xem xét tiến tới xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2024-2028, đưa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028.
Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối và giao lưu nhân dân. Vì vậy, chuyến thăm Indonesia từ ngày 21-23/12/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ song phương, qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại tăng trưởng.
Thị trường tiềm năng
Indonesia hiện là nước đông dân thứ tư trên thế giới và là thị trường hết sức tiềm năng tại khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, đây còn là nước có nền kinh tế đang phát triển với tỉ lệ dân số trẻ cao, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở các thành phố. Bởi vậy, mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân rất lớn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại Việt Nam- Indonesia có mức tăng trưởng tốt. Hơn nữa, quy mô thương mại giữa hai nước không ngừng được mở rộng, tăng gần gấp đôi từ mức 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 11,5 tỷ USD năm 2021. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 11%/năm.
Tiếp tục đà tăng trưởng từ năm 2021, trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia đạt 12,8 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ có khả năng đạt 14 tỷ USD trong năm 2022.
[Việt Nam-Indonesia còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại]
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Chính phủ hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật Việt Nam-Indonesia do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia đồng chủ trì để thúc đẩy hợp tác và giải quyết kịp thời những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật.
Thực tế cho thấy, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Indonesia đã phát huy rất tốt vai trò khi góp phần thúc đẩy giải quyết rất hiệu quả vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại hai nước các năm qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Indonesia và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.
Cụ thể như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác. Đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bởi đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất, vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Ngoài ra, việc hợp tác xúc tiến thương mại cũng được cơ quan chức năng hai nước hết sức quan tâm, thúc đẩy. Đáng lưu ý, trong thời gian gián đoạn bởi dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến thương mại được cơ quan đối tác hai bên phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến...
Sau khi việc đi lại trở lại bình thường, các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội thảo kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm..được thực hiện theo hình thức trực tiếp để nâng cao hiệu quả.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm tại Indonesia như Hội chợ quốc tế Trade Expo Indonesia, Hội chợ quốc tế Thực phẩm, Đồ uống SIAL Interfood. Qua đó, doanh nghiệp đều đánh giá cao mức hiệu quả và lợi ích thiết thực khi tham gia các hội chợ này.
Đáng lưu ý, nhóm hàng chế biến, chế tạo là nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt giá trị cao nhất, chiếm tỉ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia.
Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm này là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm; hàng dệt may.
Ngoài ra, vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong nhóm hàng nông thủy sản (là nhóm hàng có cơ cấu khá tương đồng với cơ cấu hàng của Indonesia), Việt Nam vẫn có thế mạnh xuất khẩu như gạo, cà phê, hạt điều, một số loại rau quả công nghệ cao, rau hữu cơ, thủy sản.
Chìa khoá xuất khẩu
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal của Indonesia đã đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên hơn 330 tỷ USD vào năm 2025. Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là với sản phẩm chất lượng và đạt được chứng chỉ Halal.
Đánh giá từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, so với nhiều thị trường trong ASEAN, đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam.
Mặt khác, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; có nét văn hóa Á Đông gần gũi, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa; thuộc hiệp hội các quốc gia ASEAN nên được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối.
Không những thế, hàng hóa Việt Nam từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng theo thời gian; có lợi thế so sánh đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản.
Ông Lê Biên Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho hay, Việt Nam và Indonesia cùng là thành viên tích cực trong khuôn khổ hợp tác thương mại đa phương và tham gia nhiều FTA quan trọng.
Điều này không chỉ giúp hàng rào thuế quan hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Indonesia hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.
Với vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, cùng với dân số đông và có nhu cầu, sức mua sắm, tiêu thụ lớn, Indonesia vẫn được coi là một thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng, còn nhiều dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, Indonesia có hệ thống kênh phân phối đa dạng, phát triển hiện đại nhiều cơ hội cho hàng Việt thâm nhập vào các hệ thống này và tới người tiêu dùng Indonesia.
Tuy nhiên, ông Lê Biên Cương cũng chỉ ra rằng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Indonesia có nhiều nét tương đồng, nhất là nhóm ngành nông thủy sản nên hàng hóa xuất khẩu của hai nước có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Hơn nữa, đây là nước Indonesia được áp dụng nhiều biện pháp mang tính hạn chế, rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn như các quy định với sản phẩm thực vật tươi sống, quy định sử dụng bảo hiểm và tàu biển của Indonesia trong nhập khẩu gạo và xuất khẩu than.
Cùng đó là quy định về tỉ lệ nội địa hóa với điện thoại di động, máy tính bảng… tiêu chuẩn riêng về Halal, tiêu chuẩn công nghiệp SNI, cùng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Indonesia cũng như mức độ quan tâm đến thị trường còn chưa cao nên việc tiếp cận thị trường còn khó khăn.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết,đây là nước thực hiện chính sách tự chủ về lương thực, thực phẩm (giảm nhu cầu nhập nhập khẩu nông, lâm, thủy sản). Do đó, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước ASEAN khác tại Indonesia. Đặc biệt, Indonesia là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, nhất là thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Để tiếp cận và xuất khẩu bền vững, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI để chủ động thâm nhập thị trường.
Hơn nữa, trước rủi ro về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, đối với Việt Nam, tính đến năm 2021, Indonesia đã tiến hành 11 vụ việc phòng vệ thương mại.
Riêng năm 2021, dù Indonesia không khởi xướng vụ việc mới nhưng ban hành kết luận áp thuế đối với 4 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng bị Indonesia điều tra chủ yếu là sản phẩm thép. Ngoài ra còn có một số sản phẩm như màng bọc BOPP, giấy cuộn thuốc lá, hạt nhựa EPS và quần áo.
Vì vậy, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, tới đây doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. Chỉ với định hướng này, ngành sản xuất mới có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu; trong đó, có Indonesia.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Lê Biên Cương khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dung Indonesia cũng như xu hướng tiêu dùng, các đối thủ cạnh tranh, hệ thống bán lẻ, phân phối.
Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng Indonesia.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc đầu tư công nghệ chế biến, chế biến sâu; đầu tư mẫu mã, bao gói cũng như chú ý đến việc tiếp thị, marketing và bảo vệ thương hiệu./.