Việt Nam khẳng định vị thế tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC

Việt Nam đang nỗ lực triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 và huy động nguồn lực tài chính quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Nằm trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2023, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 diễn ra vào ngày 13/11 tại San Francisco, Hoa Kỳ với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính 21 nền kinh tế APEC và các đại diện của các Tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC.

Đây là sự kiện tổng kết các hoạt động của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm 2023, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và khu vực, ghi nhận kết quả hợp tác trong ba ưu tiên chính của năm 2023, bao gồm: Mô hình trọng cung hiện đại; Tài chính bền vững với nội hàm là phương thức tiếp cận tài chính về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, bao trùm, và thị trường các bon tự nguyện; Tài sản số chia sẻ kinh nghiệm quản lý về tiền số do Ngân hàng Trung ương phát hành.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình tương đương nhiều nước phát triển.

"Việt Nam hoan nghênh các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế cung cấp các khoản vay ưu đãi, đảm bảo nguồn vốn mang tính hỗ trợ, tăng thành tố ưu đãi để giảm chi phí huy động vốn, đảm bảo chi phí hợp lý người dân có thể đáp ứng, tăng khả năng thu hồi vốn. Cùng với đó, tăng cường các khoản viện trợ không hoàn lại cho các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam,” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra một trong các công cụ chính sách mà APEC đang thực hiện và chia sẻ thông lệ tốt giữa các thành viên đó là thị trường các-bon tự nguyện. Việt Nam đã có một số tiền đề về chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế của APEC trong vấn đề này, nhất là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường các-bon mà Bộ Tài chính Việt Nam đang được giao triển khai.

z4878392035201_462749dbdf145c5a54f0e95188727443.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã phần nào thành công trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình biến động trên thế giới, giúp phục hồi tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa giúp chống chọi các cú sốc từ bên ngoài cũng như chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian đại dịch và quá trình phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề tài chính bền vững trước các thách thức do biến đổi khí hậu tác động tới các mục tiêu tăng trưởng của khu vực, Việt Nam và các thành viên APEC đã chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các công cụ và cơ chế tài chính và tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính giúp giải quyết các nút thắt cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC về tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng và thiết lập, vận hành thị trường các-bon tự nguyện.

Sau đại dịch COVID-19, phần lớn các nền kinh tế APEC đều có dấu hiệu phục hồi tốt, lạm phát đã hạ nhiệt tuy nhiên vẫn ở mức cao, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, chuỗi cung ứng dần hồi phục, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, già hóa dân số tăng nhanh...

z4878392863850_5b7dbd0313a98b9b02aa4fc6f7213929.jpg
Các thành viên APEC tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện, thông qua việc kết hợp kinh tế trọng cung hiện đại, huy động và liên kết tài chính để đạt được các mục tiêu về khí hậu và bền vững cũng như hỗ trợ cho sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ số trong khu vực. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Các ưu tiên hợp tác APEC năm nay gắn liền với các nhiệm vụ chiến lược đang triển khai trong nước của Bộ Tài chính. Về mô hình trọng cung hiện đại, Hội nghị đã thảo luận về các công cụ chính sách để giải quyết những thất bại của thị trường gây trở ngại nguồn cung cho nền kinh tế như lực lượng lao động, vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng thiết yếu, nghiên cứu và phát triển, và chất lượng môi trường. Những chính sách này thường có thể thúc đẩy tăng trưởng dài hạn theo cách làm giảm bất bình đẳng và giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Qua Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2023, các thành viên APEC tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện, thông qua việc kết hợp kinh tế trọng cung hiện đại, huy động và liên kết tài chính để đạt được các mục tiêu về khí hậu và bền vững cũng như hỗ trợ cho sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ số trong khu vực. Điều này đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực của các thành viên APEC và nền kinh tế toàn cầu đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và toàn diện hướng tới mục tiêu “Tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục