Việt Nam luôn quan tâm đầu tư bảo vệ rừng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc bảo vệ, phát triển rừng.
HTML clipboard Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo vệ rừng thông qua nhiều chương trình, dự án bảo vệ, phát triển rừng kết hợp đảm bảo an sinh xã hội, từ đó bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng.

Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra nhận định trên tại hội nghị đánh giá thường niên Đối tác ngành lâm nghiệp (FSSP) diễn ra sáng 2/2 tại Hà Nội.  

Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động tổng quan của ngành lâm nghiệp thông qua việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010 và cũng như rà soát lại các hoạt động của đối tác và lập kế hoạch hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho ngành.

Tại hội nghị, ông Juergen Hess - đồng chủ tịch FSSP - đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa FSSP và các đối tác, và sáng kiến tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp hợp lý trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng (REDD).

FSSP là một đối tác rộng mở cho tất cả các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cùng tham gia và hợp tác. Các diễn đàn của Đối tác Hỗ trợ ngành lâm nghiệp FSSP luôn được đánh giá như là một kênh thông tin hết sức quan trọng để tăng cường đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin giúp nâng cao hiệu quả của ngành lâm nghiệp vì mục tiêu quản lý bền vững hơn 12 triệu ha rừng và nâng cao đời sống 25 triệu đồng bào đang sống ở những vùng miền núi, dựa vào rừng ở Việt Nam.

Ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đang quản lý trên 16 triệu ha đất, chiếm 50% diện tích của cả nước, trong đó có 1,83 triệu ha rừng và 3,41 triệu ha đất trống đồi núi trọc là đối tượng của sản xuất nông nghiệp. Năm 2009 là năm thứ ba ngành lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và là hai năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “trồng mới 5 triệu ha rừng”.

Bên cạnh những thuận lợi để phát triển ngành lâm nghiệp như nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo vệ rừng, nâng mức khoán bảo vệ rừng và chính sách khuyến khích phát triển rừng sản xuất thì năm 2009, ngành lâm nghiệp cũng đã gặp không ít khó khăn như thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại lớn cho đầu tư vào lâm nghiệp và sản xuất lâm nghiệp; cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp; đầu tư FDI giảm và ODA cho ngành lâm nghiệp dần dần ít hơn.

Theo ông Nhị, năm 2009 là năm mà vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao rõ rệt trong các cuộc đàm phán và diễn đàn quốc tế về lâm nghiệp. Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban lâm nghiệp châu Á-Thái Bình Dương một cách có trách nhiệm và đã đưa ra nhiều sáng kiến để cải tiến hoạt động Ủy ban lâm nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và Ủy ban Lâm nghiệp (COFO). Việt Nam đã tích cực tham gia vào sáng kiến REED và được Liên hợp quốc lựa chọn là một trong 9 nước tham gia chương trình UN-REED đang là một trong những quốc gia đi tiên phong trong công cuộc bảo tồn các cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới.
 
Ông Nhị cho biết, năm 2010 được dự báo thời tiết có nhiều biến động khó lường, trái với quy luật. Ngành lâm nghiệp vốn là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết và xuất khẩu, do vậy để phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như tiếp tục phát triển trồng rừng, triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đỉnh phát triển mạnh rừng sản xuất, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn./.
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục