Trong 24 năm tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế chấu Á-Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều sáng kiến do nước ta đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới…
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về ý nghĩa của việc hợp tác kinh tế đầu tư cũng như động thái của Bộ Công Thương nhằm tạo sự liên kết giúp doanh nghiệp phát triển bền vững cùng các nước thành viên APEC.
- Xin ông cho biết, khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC?
Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: APEC là một trong những khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau.
Tuy nhiên, về cơ bản APEC hướng đến tự do thương mại và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một trong những khu vực năng động nhất.
Chính vì vậy, APEC đã có nhiều chương trình hợp tác khác nhau, mặc dù không mang tính ràng buộc nhưng hiệu quả rất lớn trong việc đặt ra mục tiêu.
Đầu tiên, APEC thường hay nhắc tới chuyện thực thi nguyên tắc đã được các tổ chức đa phương đề ra, đặc biệt là trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cùng với đó luôn có những sáng kiến để các nước thúc đẩy thực thi nghiêm túc cam kết đa phương; thử nghiệm ý tưởng để từ đó đóng góp cho những quy tắc mới trong hệ thống đa phương như WTO.
[Việt Nam kêu gọi tăng cường sức chống chịu của các nền kinh tế APEC]
Đơn cử, hàng hóa và dịch vụ môi trường là một lĩnh vực rất mới và APEC là một trong những nơi để đưa ra sáng kiến tự nguyện, từ đó tất cả các thành viên khác trên thế giới cùng nhau đưa thành can thiệp ràng buộc trong WTO.
Ngoài ra, APEC cũng có một loạt khuôn khổ hợp tác khác và nhất là những lĩnh vực có tính chất tương đối mới trong hợp tác kinh tế thương mại, những vấn đề nổi lên đều được xử lý ở trong tiến này.
Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến nền kinh tế số, thương mại điện tử, cạnh tranh để tạo dựng một môi trường thuận lợi cho nhiều ngành có thể phát triển.
Cuối cùng, APEC cũng có một khuôn khổ rất mạnh để tăng cường hợp tác, đó là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, ở đây không chỉ có doanh nghiệp lớn nhất mà có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hơn nữa, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thường được tiếp thu và được các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của các nền kinh tế APEC cùng nhau thảo luận, cụ thể hóa thành những chương trình hợp tác, từ đó đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
- Ông có thể chia sẻ về những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 29?
Ông Lương Hoàng Thái: Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC đã luôn là một thành viên tích cực trong khuôn khổ hợp tác này. Đến nay, Việt Nam đã có hai lần đứng ra tổ chức APEC và nhất là gần đây nhất Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức APEC.
Năm 2017, hội nghị cuối cùng của APEC gặp nhau trực tiếp, có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Và đã đưa ra được một tuyên bố chung.
Tuy nhiên, sau đó vì lý do khách quan nên có năm không đầy đủ lãnh đạo, thậm chí phải họp trực tuyến vì dịch COVID-19 và có những năm không ra được tuyên bố chung.
Bởi vậy, trong khuôn khổ những đóng góp của Việt Nam đề ra từ năm 2017 đến nay vẫn được coi là một trong những định hướng quan trọng cho hợp tác APEC giai đoạn vừa qua.
Do đó, với tư cách là nước chủ nhà của năm 2017, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp cụ thể cho các năm tiếp theo, nhất là giai đoạn COVID-19 diễn ra.
Đáng lưu ý, năm 2022 là giai đoạn các nền kinh tế bắt đầu phục hồi để vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, Việt Nam lại một lần nữa có những đóng góp cụ thể thúc đẩy chương trình mà nước chủ nhà Thái Lan đã đưa ra.
Đặc biệt, qua đó hướng đến phục hồi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do tác động của dịch COVID-19 cũng như một số khó khăn, mâu thuẫn về mặt chính trị và thậm chí là xung đột diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Đây là một trong những ưu tiên rất quan trọng vì phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 là một vấn đề hết sức quan trọng vào việc phục hồi chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có những đóng góp hết sức cụ thể.
Đối với những vấn đề mới phát sinh, thời gian qua trên thế giới luôn tập trung vào nội dung chuyển đổi năng lượng và áp dụng công nghệ về xanh, sạch để làm thế nào cân đối sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, duy trì việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu và Việt Nam đã cùng các nước có những khuôn khổ hợp tác cụ thể như cắt giảm khí thải nhà kính, cắt giảm rác thải…để đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của cả khu vực.
Mặt khác, Việt Nam cũng có những sáng kiến thông qua cách làm của Việt Nam để đóng góp cho APEC, cùng đưa ra một cách làm chung mang tính hài hòa, hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển của khu vực.
- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những hoạt động gì nhằm hưởng ứng việc hợp tác giữa các nền kinh tế APEC, thưa ông?
Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: APEC hướng đến mục tiêu quan trọng cuối cùng là tự do hóa thương mại và đầu tư và để đạt được mục tiêu này, APEC xác định có một số con đường khác nhau để đưa đến đích.
Một trong những con đường quan trọng đó là những hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, 2 FTA lớn nhất được xây dựng trong thời gian qua được coi là con đường hướng đến đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ Công Thương đã có đóng góp hết sức tích cực để hình thành nên các FTA. Đơn cử như Hiệp định CPTPP được ra đời trong năm Việt Nam làm chủ nhà APEC và FTA này được kết thúc đàm phán tại Đà Nẵng bên lề cái Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Ngoài ra, Hiệp định RCEP cũng được kết thúc vào năm Việt Nam là chủ nhà của ASEAN và lãnh đạo Thủ tướng của Việt Nam lúc đó cũng là người chứng kiến lễ ký để đưa FTA này vào thực thi.
Chính vì vậy, 2 con đường quan trọng nhất dẫn đến mục tiêu cuối cùng của APEC đều có những đóng góp mang tính quyết định. Hơn nữa, dưới góc độ xây dựng, tôn trọng những quy định thể chế quốc tế và dùng uy tín để thuyết phục các nước đi đến hợp tác thống nhất, đưa ra khuôn khổ hợp tác chung thay cho xu hướng đối đầu hay là đơn phương để xử lý vấn đề trong quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều những cái đóng góp cụ thể khác. Đơn cử như trong cái bối cảnh APEC bắt đầu phục hồi, một trong những khía cạnh quan trọng là phải lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện quan trọng của doanh nghiệp trong APEC vừa qua là Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC họp tại Quảng Ninh để đưa ra những đóng góp cụ thể. Đây là cuộc họp đầu tiên của cộng đồng doanh nghiệp sau khi bắt đầu phục hồi đi lại sau đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, những ý kiến của doanh nghiệp có thể phản ánh hết sức thiết thực.
Đặc biệt, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC để đảm bảo có những tiến bộ trong thời gian tới, đạt được mục tiêu đề ra và thông qua đó cũng thể hiện uy tín và vai trò của Việt Nam trong diễn đàn này.
- Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, tới đây Bộ Công Thương sẽ có những động thái gì để tạo sự liên kết cũng như giúp doanh nghiệp phát triển bền vững cùng các nước thành viên APEC ?
Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: Bộ Công Thương luôn tham gia tích cực vào những hoạt động hợp tác của doanh nghiệp trong khuôn khổ APEC và cũng đã có những sáng kiến cụ thể trong khuôn khổ này.
Có thể nói, giai đoạn trước đây một trong những thử nghiệm của APEC để có được tự do hóa với hàng hóa và dịch vụ môi trường. Việt Nam là một trong những nước đi đầu đưa ra những kiến nghị và cũng là một trong những nước thực hiện nghiêm túc nhất.
Mặc dù cam kết này không mang tính ràng buộc nhưng Việt Nam là nước đi đầu trong việc thực thi sáng kiến về tự do hóa thương mại và dịch vụ với hàng hóa và dịch vụ môi trường để đóng góp cụ thể cho những chương trình khuôn khổ hợp tác chung.
Ngoài ra, ở những lĩnh vực khác như năng lượng, tự do hóa thương mại, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào nhiều sáng kiến khác. Chẳng hạn như sáng kiến kết nối cảng biển để tạo thuận lợi cho hàng hóa đi lại, Bộ Công Thương cũng đóng góp rất tích cực những sáng kiến này.
Hơn nữa, với vai trò là bộ phụ trách về lĩnh vực hợp tác về thương mại, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Đáng lưu ý, không những thực hiện một cách thụ động chỉ đạo mà còn đi đầu trong việc cùng một số nhóm nước và đề ra sáng kiến mới trong tổ chức này để có được những kết quả tốt hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!