Việt Nam-Mông Cổ tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác

Với bề dày quan hệ hợp tác hữu nghị 60 năm, mối quan hệ Việt Nam-Mông Cổ ngày càng được thúc đẩy một cách tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế.
Việt Nam-Mông Cổ tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác ảnh 1Toàn cảnh cuộc Hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 27/5, tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ đã diễn ra Hội thảo “60 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ” do Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ, Bộ Ngoại giao Mông Cổ phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ðại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực được tổ chức tại Mông Cổ nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-2014).

Tới dự hội thảo, phía Mông Cổ có Thứ trưởng Ngoại giao D. Gankhuyag, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ B. Enkhtuvshin, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam Z. Bayanselenge, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam S. Dashtsevel và đại diện các cơ quan, ban ngành hữu quan của Mông Cổ.

Phía Việt Nam có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Phan Đăng Đương, các đại biểu của Đoàn Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đang ở thăm Mông Cổ, Đại diện Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Mông Cổ và toàn thể sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mông Cổ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ D. Gankhuyag ghi nhận mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới - đặt nền móng, đã không ngừng phát triển và mở rộng trong 60 năm qua.

Lãnh đạo và nhân dân Mông Cổ luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ năm 2013 đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ hai nước.

Về phần mình, Đại sứ Phan Đăng Đương khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Mông Cổ; nhân dân hai nước luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn; bày tỏ cảm ơn nhân dân Mông Cổ, các học giả Mông Cổ, Hội Hữu nghị Mông Cổ-những người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam, đã cùng với cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, lẽ phải, ủng hộ nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước các hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh đã điểm lại những nét lớn trong chặng đường lịch sử 60 năm của mối quan hệ giữa Việt Nam-Mông Cổ; nêu bật những thành tựu, những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hai nước; bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam-Mông Cổ sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai.

Các học giả hai nước đã trình bày các tham luận khoa học về mối quan hệ song phương, nêu bật những thành tựu hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, giáo dục trong 60 năm qua; phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hai bên, đặc biệt là vào giai đoạn đầu thập kỷ 1990 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi.

Các học giả thống nhất cho rằng, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã được thúc đẩy một cách tích cực, không chỉ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn được mở rộng sang các lĩnh vực khác với nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác trên nền tảng của mối quan hệ hữu nghị được xây dựng trong suốt 60 năm qua với quyết tâm chính trị của Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước.

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Mông Cổ có nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả và chưa tương xứng với bề dày 60 năm của mối quan hệ giữa hai nước.

Liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, các học giả cho rằng, các nước nhỏ như Việt Nam và Mông Cổ cần có sự đoàn kết, hợp tác để tạo thành sức mạnh tập thể trước các vấn đề của khu vực và quốc tế; Việt Nam, hơn bao giờ hết rất cần tiếng nói ủng hộ của Mông Cổ trong vấn đề lãnh thổ và lãnh hải mà Việt Nam đang bị chèn ép bởi một nước láng giềng lớn với đầy những toan tính bá quyền.

Đặc biệt, trong tham luận “Việt Nam là con đường đưa Mông Cổ tới ASEAN”, tiến sỹ D. Shurkhu, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế của Mông Cổ đã nhấn mạnh mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ là trở thành “đối tác đối thoại của ASEAN” để tăng cường hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giảm thiểu tình trạng phụ thuộc về kinh tế hiện nay; cho rằng việc Mông Cổ hợp tác gần gũi với Việt Nam có vai trò quan trọng giúp Mông Cổ gia nhập và tăng cường hội nhập chính trị, kinh tế tại khu vực “có tầm ảnh hưởng to lớn” là ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương.

Các học giả thống nhất cho rằng, những tham luận của các nhà khoa học hai nước tại cuộc Hội thảo “60 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ” có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Mông Cổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục