Chiều 25/5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam.
Vui mừng được gặp bà Pratibha Mehta, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc, cảm ơn Liên hợp quốc đã luôn hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là thông qua hệ thống các cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc. Ngoài việc thực hiện sáng kiến Một Liên hợp quốc, Việt Nam đang phát huy vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, tích cực chuẩn bị để tăng lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững, và đã phát triển đầy đủ và hài hòa hơn 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Những thành tựu đó sẽ tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam sẵn sàng hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Việt Nam hiểu những cơ hội cũng như thách thức trong việc thực hiện thành công các SDGs, hiểu tính năng động và mối liên hệ chặt chẽ giữa các SDGs.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, để thực hiện thành công các SDGs cần 3 yếu tố: Sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, sự tham gia của toàn thể nhân dân và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tuy Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình song còn không ít khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc là rất quan trọng để giúp Việt Nam thực hiện thành công các SDGs.
Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các MDGs và Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong việc thực hiện các SDGs thời gian tới.
Bà Pratibha Mehta khẳng định các vấn đề mà ông Nguyễn Thiện Nhân nêu đều phù hợp với chiến lược Liên hợp quốc đang xây dựng.
Kế hoạch sắp tới của Liên hợp quốc trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam bao gồm cả Chính phủ và người dân, nhằm đảm bảo tất cả các thành phần đều được hưởng lợi từ việc thực hiện các mục tiêu trong 15 năm tới.
Bà Pratibha Mehta cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân nâng cao nhận thức và hiểu sâu sắc các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó khuyến khích sự giám sát của người dân về việc này để các mục tiêu phát triển bền vững mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Nhận định sáng kiến đo sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước hay phản ánh của người dân về hành chính công qua điện thoại có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với thực hiện đánh giá về hiệu quả của quản trị và hành chính công PAPI mà Liên hợp quốc phối hợp thực hiện thời gian qua, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện mở rộng, phát triển các hoạt động này, đồng thời thực hiện nhiều sáng kiến khác để thu thập được những ý kiến phản hồi của công dân, sử dụng chúng cho việc lập các kế hoạch, hoạch định chính sách cho mục tiêu phát triển bền vững./.