Ngày 21/4, một ngày trước khi diễn ra lễ ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận cấp cao về việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong bài phát biểu mở màn phiên thảo luận có chủ đề "Hành động ở mọi cấp: Thực thi của các quốc gia," Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Mogens Lykketoft đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lựa chọn giữa một bên là hành động vì chương trình phát triển bền vững để bắt đầu một tiến trình chuyển đổi đem lại lợi ích cho mọi người dân và hành tinh với một bên là không hành động và để lại hậu quả cho những thế hệ sau phải gánh chịu.
Chủ tịch Đại hội đồng nhấn mạnh Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phát đi một thông điệp rõ ràng trên toàn thế giới. Đó là các quốc gia đã bắt đầu một tiến trình chuyển đổi sẽ đảm bảo cả sự thịnh vượng lẫn sự tồn tại lâu dài của hành tinh.
Ông nhấn mạnh rằng kể từ khi đưa ra những cam kết này, trên thế giới đã xảy ra nhiều sự kiện làm tăng tính cấp bách hơn nữa của việc cần phải hành động. Làn sóng bạo lực cực đoan cướp đi mạng sống của hàng nghìn người trên khắp thế giới trong khi các cuộc xung đột triền miên đe dọa sinh mạng của hàng triệu người.
Bên cạnh đó, sự phản ứng không thỏa đáng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn trên toàn cầu đang phá hỏng các quyền của con người, sự đoàn kết của thế giới cũng như khái niệm "không để ai bị tụt lại phía sau."
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Đại hội đồng cho rằng hai thỏa thuận trên kết hợp lại đang tạo cho các nhà lãnh đạo thế giới "một khuôn khổ vững chắc" để giải quyết những gốc rễ của các cuộc khủng hoảng nêu trên, song với điều kiện là các quốc gia khẩn trương hành động.
Trong một ngày thảo luận, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu 5 lĩnh vực chủ chốt, gồm cách thức các quốc gia phản ứng trước các SDG; cách thức rót kinh phí cũng như huy động các thị trường hỗ trợ các SDG; cách thức quá độ từ các mối quan hệ hợp tác đối tác vì các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) sang quan hệ hợp tác đối tác vì SDG; và cách thức cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hỗ trợ cho tiến trình thực thi toàn bộ các SDG và ngược lại.
Phát biểu tại phiên thảo luận thay mặt cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Phó Tổng thư ký Jan Eliasson nhấn mạnh rằng việc Đại hội đồng thảo luận về các SDG ngay trước thềm lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phát đi một tín hiệu quan trọng, đó là chương trình phát triển và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không thể tách rời và bổ trợ lẫn nhau.
Phó Tổng thư ký cho biết hệ thống Liên hợp quốc đã bắt đầu hỗ trợ các quốc gia thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030. Khoảng 95 phái đoàn Liên hợp quốc tại các quốc gia đang phối hợp với các đối tác ở nước sử tại để lồng ghép các SDG vào các kế hoạch quốc gia, đẩy nhanh việc thực hiện và hỗ trợ về chính sách.
Nhân sự kiện này, Trưởng phái đoàn Việt Nam thường trực tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, đã cung cấp cho phiên họp những thông tin về việc Việt Nam đã bắt đầu tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như thế nào.
Theo Đại sứ, những thành công của Việt Nam trong quá trình thực thi các mục tiêu thiên niên kỷ đã tạo tiền đề để Việt Nam thực thi các SDG.
Cụ thể, từ hơn 5 năm trước, Việt Nam đã bắt đầu tiến trình phát triển bền vững bằng cách thông qua Chiến lược phát triển bền vững quốc gia giai đoạn 2011-2020, trong đó bao gồm những chỉ số về tất cả các lĩnh vực phát triển. Và trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng những cơ sở về thể chế, về con người và về tài chính cho sự tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường.
Đại sứ cũng cho biết chương trình nghị sự năm 2030 và các SDG tạo đà quan trọng để Việt Nam thực thi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 với việc lồng ghép SDG vào các mục tiêu phát triển của các quốc gia.
Đại sứ nếu một số chỉ tiêu của Việt Nam cho năm 2020 như đảm bảo 70% lực lượng lao động được đào tạo, 80% dân số có bảo hiểm y tế, 95% dân thành thị và 90% dân nông thôn được tiếp cận nước sạch, và diện tích bao phủ rừng đạt 40%./.