Ngày 24/9, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí thông báo định hướng chiến lược về phát triển bền vững sẽ được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 24-28/9/2015.
Phát biểu tại họp báo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững tại New York (Hoa Kỳ) lần này được tổ chức đúng vào dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 70 năm thành lập và nằm trong chuỗi nhiều sự kiện lớn toàn cầu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đạt và vượt trước hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng chính là những bài học, kinh nghiệm cần chia sẻ trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững.
Đánh giá cao thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, ông Richard Marshall, Cố vấn chính sách, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, sau 15 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình là các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, đạt phổ cập giáo dục tiểu học với 99% tỷ lệ nhập học đúng tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em...
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế cần tiếp tục thực hiện như phòng chống HIV/AIDS; thúc đẩy bền vững về môi trường; tiến độ thực hiện các mục tiêu chưa ngang bằng giữa các vùng và giữa các nhóm dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trình bày về các mục tiêu phát triển bền vững, ông Richard Marshall, Cố vấn chính sách, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, với 17 mục tiêu phát triển bền vững được đánh giá đã đáp ứng được các quan tâm và lợi ích của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.
Các mục tiêu phát triển bền vững là lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm chấm dứt nghèo đói, bảo vệ hành tinh và đảm bảo để tất cả mọi người đều được sống trong hòa bình, thịnh vượng. Được xây dựng dựa trên những thành công trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các mục tiêu giai đoạn tới bao trùm những lĩnh vực mới như bình đằng kinh tế, sáng kiến đổi mới, biến đổi khí hậu, tiêu dùng bền vững, hòa bình và công lý.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên và tiến tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững, Cố vấn chính sách, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục tập trung nỗ lực duy trì và nâng cao các kết quả đạt được, tiến tới một mô hình tăng trưởng bền vững. Các nguồn lực cần được huy động nhằm đem lại những thành công hơn nữa về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều hơn vào khía cạnh tăng năng suất và đổi mới cùng với các công cụ chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện và công bằng.
Cố vấn chính sách, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 về Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Đây là những công việc rất cụ thể để hoàn thành những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chưa hoàn thành trong giai đoạn vừa qua. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt đồng tham vấn và truyền thông nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và quá trình làm quen với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia về phát triển bao trùm và công bằng của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, có thể nói việc thay đổi mô hình tăng trưởng để cho tất cả người dân Việt Nam có cơ hội tham gia, đóng góp vào công cuộc phát triển mang tính bền vững. Có nghĩa là, các chính sách không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà các việc làm này phải dựa trên nền tảng công nghệ xanh sạch hơn.
Do đó, 17 mục tiêu phát triên bền vững phải gắn với nhau đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ. Hơn nữa, việc thực hiện các mục tiêu cần phải có nguồn lực lớn, không chỉ có nguồn lực của nhà nước mà còn có nguồn lực của các thành phần kinh tế. Vì thế, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ xanh để tạo ra việc làm đồng thời, Nhà nước cần phát huy vai trò tạo cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải nỗ lực tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng giao thông công cộng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân dịp này, các chuyên gia của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đã trao đổi với báo chí một số nội dung về tiếp tục duy trì, nâng cao và hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên kỷ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.