Việt Nam sẽ rất vất vả để đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%

Theo tiến sỹ Lê Quốc Phương, có thể thấy rõ mức tăng trưởng xuất khẩu theo xu hướng giảm dần và năm nay Việt Nam sẽ rất vất vả để đạt tốc độ tăng trưởng 10%.
Việt Nam sẽ rất vất vả để đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10% ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may Hòa Thọ (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ) tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với tổng kim ngạch dự kiến đạt 165 tỷ USD cùng nhịp độ tăng trưởng 10% sẽ góp phần không nhỏ làm nổi bật bức tranh kinh tế của đất nước trong năm 2015.

Nhưng chúng ta không nên chủ quan trước những cơ hội trước mắt mà việc phải có giải pháp thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tạo tiền đề cho năm 2016 là nội dung được tiến sỹ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ với phóng viên TTXVN .

-Năm nay, được đánh giá là năm khó khăn với xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 165 tỷ USD. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

​Tiến sỹ Lê Quốc Phương: Theo đánh giá của tôi, trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt con số khá cao. Chẳng hạn, năm 2011, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lên đến hơn 30%; năm 2012 đạt trên 20%, năm 2013 đạt 18% và 2014 là 15%. Tuy nhiên, có thể thấy rõ mức tăng trưởng xuất khẩu theo xu hướng giảm dần và năm nay Việt Nam sẽ rất vất vả để đạt tốc độ tăng trưởng 10% (tức là đạt con số 165 tỷ USD).

Nguyên nhân xuất khẩu năm nay giảm thứ nhất là hiện nay, nước ta có mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường; trong đó Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Trong khi đó ở thời điểm này, kinh tế thế giới đang trầm lắng. Cụ thể là kinh tế Trung Quốc giảm rất mạnh. Năm nay, dự kiến Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,8-7%. Đây là mức tăng trưởng thấp đối với họ (thường Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%). EU cũng là trung tâm kinh tế lớn nhưng vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công; Nhật Bản cũng mới vừa bứt phá một chút nhờ kích cầu nhưng họ lại đặt ra thuế VAT để giải quyết thâm hụt ngân sách. Chỉ có Mỹ là phục hồi những chưa đủ mạnh để kéo theo nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu tiêu thụ hàng hóa của họ giảm.

Trong bối cảnh như vậy, gía dầu thô, than đá nằm trong nhóm nguyên nhiên liệu giảm vì nhu cầu thế giới giảm, nguồn cung thế giới vẫn duy trì đều đặn, thâm chí tăng nên giá loại mặt hàng này giảm. Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì hai nhóm là nhóm nguyên nhiên liệu khoáng sản giảm, nông sản giảm mạnh (cả về lượng và giá) mà chỉ có nhóm công nghiệp phát triển tốt. Hiện nay, nhóm này chiếm 70% vẫn dẫn đầu nhưng không bứt phá mạnh như mấy năm trước. Thêm một yếu tố nữa là những năm trước, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam mặt hàng điện thoại di động dẫn đến xuất khẩu tăng khá cao nhưng, năm nay, chúng ta lại không có sản phẩm mới.

Phân tích ở khía cạnh khác, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn nhờ vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bởi riêng khối này đã chiếm với tỷ trọng trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 1/3. Các doanh nghiệp này chủ yếu xuất siêu, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập siêu khá lớn. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng yếu thế trước các doanh nghiệp FDI xét cả về tỷ trọng trong xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và cán cân thương mại.

-Khó khăn là như vậy nhưng năm nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dự kiến, sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm. Vậy, những cơ hội hay thách thức cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Quốc Phương: Nước ta là nước rất tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và hiện nay chúng ta là nước tích cực nhất khu vực Đông Nam Á trong tiến trình hội nhập. Điều này thể hiện là nước ta quyết tâm rất mạnh để mở cửa thị trường. Chủ trương này là đúng và đã mở ra nhiều cơ hội vì nền kinh tế chúng ta hướng đến xuất khẩu và xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng.

Khi tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0%. Đó là cú huých mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

TPP dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay. Việt Nam là nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi. TPP được ký kết sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước trong khối, tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp, nhất là thủy sản.

Tuy nhiên, thuận lợi là như vậy nhưng bên cạnh đó sẽ kèm theo thách thức đó là các hàng rào thuế quan sẽ hạ xuống và sẽ dâng hàng rào phi thuế quan lên. Một trong những khó khăn nhất của chúng ta không phải là sản xuất vì năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt, thậm chí còn dư thừa. Chẳng hạn như gạo hiện dư thừa khoảng 7-8 triệu tấn; càphê, chè, thủy sản chỉ tiêu thụ một phần trong nước còn phần lớn là xuất khẩu.

Nhưng để tận dụng được những cơ hội như đã nêu ở trên chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của các nước. Và, chúng ta có nắm bắt được hay không thì phải phụ thuộc vào yếu tố nội tại của chúng ta vì hiện nay, khả năng của chúng ta còn tương đối yếu. Chẳng hạn, như hàng nông sản chất lượng chưa đảm bảo, quy trình sản xuất còn manh mún, không theo quy trình tốt. Về dệt may lại vướng yêu cầu về xuất xứ, nếu không đáp ứng được thì hàng của chúng ta cũng sẽ không được hưởng lợi gì cả.

-Về phía Bộ Công Thương đã có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Quốc Phương: Phải khẳng định, việc phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng xuất khẩu 10% cho cả năm 2015 là khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo dù thế nào cũng không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng, trong đó có xuất khẩu. Do đó, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ chỉ đạo Cục Xuất Nhập khẩu chủ trì phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để trao đổi về tình hình xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp hỗ trợ tăng cường tiêu thụ nông sản, các biện pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi biến động của tình hình tỷ gía và lãi suất trong nước và trên thế giới, đánh gía tác động ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và đề xuất các giải pháp, trao đổi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những vấn đề tỷ gía góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để phát triển sản xuất.

Bộ cũng đã yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát đánh gía tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như việc Indonesia, Thái Lan, Malaysia áp thuế chống bán phá gía với mặt hàng tôn thép lạnh của Việt Nam đồng thời, chủ động làm việc với các cơ quan nước sở tại giải quyết khắc phục tháo gỡ các rào cản và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp và phối hợp đề xuất các biện pháp ứng phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục