Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), so với một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam sớm có đề án riêng cho việc phát triển nhân lực an toàn thông tin tới năm 2020.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học về an toàn thông tin lần thứ 1 với chủ đề "Một số vấn đề chọn lọc về an toàn, an ninh thông tin" được tổ chức chiều 28/11, ông Dũng nói sau Việt Nam, Nhật Bản, Singapore cũng đã ban hành kế hoạch này, còn Trung Quốc hiện đang xây dựng…
Trước đó, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) nhằm đáp ứng nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho khu vực kinh tế, xã hội.
Ông Dũng cho biết, để triển khai đề án này, cơ quan quản lý nhấn mạnh vào hai nhiệm vụ. Một là, đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành an toàn thông tin để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tương lai (cả về số lượng, chất lượng). Hiện, trên cả nước đã có 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về vấn đề này, đặc biệt là đào tạo kỹ sư chất lượng cao.
Nhiệm vụ thứ hai là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực chuyển giao từng bước làm chủ công nghệ, đặc biệt đối với sản phẩm, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng.
“Hội thảo này được tổ chức nhằm giải quyết hai vấn đề nói trên,” ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện kỹ thuật mật mã (đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện), trong kỷ nguyên số hóa và hội nhập, công tác đảm bảo an toàn, bảo mật luôn phải đối mặt với những thách thức ngày một khó khăn, phức tạp.
Ông cũng cho hay, vào tháng Ba, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhằm phát huy thế mạnh của mỗi trường. Trong đó, hội thảo an toàn, an ninh thông tin hàng năm là một trong những nội dung đã được các trường thống nhất.
Hội thảo lần thứ nhất này có 4 nhóm nội dung chính, gồm: Mật mã ứng dụng (8 bài); An toàn ứng dụng (5 bài); An toàn, an ninh mạng (6 bài); Quản lý về đào tạo an toàn, an ninh thông tin (8 bài của 8 cơ sở đào tạo trọng điểm).
“Tôi hy vọng qua hội thảo, nhiều kết quả, kinh nghiệm sẽ được chia sẻ giúp cho các cơ sở đào tạo nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho khu vực kinh tế xã hội,” ông Hải chốt lại./.