Việt Nam sớm thực hiện sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19

Trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng.
Việt Nam sớm thực hiện sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 ảnh 1Việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh COVID-19 cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ngày 24/4, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện liệu pháp sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19.

Thông tin trên được ông Khuê đưa ra khi chủ trì cuộc họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu Hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19.

[Vì sao có ca đã âm tính lại dương tính trở lại với SARS-CoV-2?]

Trước đó, ngày 08/4/2020, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã có Công văn số 464/KCB-QLCL&CĐT giao 2 bệnh viện là Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19.

Theo dự thảo, Bộ Y tế giao Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho người bệnh thể nặng.

Việt Nam sớm thực hiện sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 ảnh 2Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết công tác điều trị cho người bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng ngừa. Tất cả đều đang nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp chữa bệnh để tìm mọi cách cứu chữa người bệnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế luôn cập nhật và tham khảo cũng như nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp điều trị của các nước trên thế giới đang thử nghiệm như sử dụng thuốc điều trị HIV hay thuốc chống sốt rét chloroquine trong điều trị COVID-19… Sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 cũng là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm và Việt Nam cũng đang đi theo hướng này.

Hiện Việt Nam đã điều trị khỏi cho 225/270 trường hợp mắc COVID-19, trong đó bệnh nhân nặng chiếm khoảng 5% và chưa có trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng. Điều quan trọng nhất trong Hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn việc hiến huyết tương của người điều trị khỏi bệnh COVID-19 cũng được đặt lên hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SAR-COV-2 và các tác nhân gây bệnh khác cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Lãnh đạo Bộ Y tế, căn cứ vào các tài liệu, bài báo khoa học của các chuyên gia các nước trên thế giới và Hiệp hội Truyền máu Thế giới, Bộ Y tế cần sớm triển khai Hướng dẫn tạm thời này.

Hiện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giao 4 bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng là: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Việc lấy huyết tương làm trước mắt chỉ giao thực hiện ở các trung tâm lớn có các chuyên gia hàng đầu, đủ điều kiện như Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu- Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur đảm bảo lấy huyết tương đúng quy trình chuyên môn và nồng độ kháng thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo công tác an toàn sinh học trong tất cả các quy trình; vận động người hiến và có chính sách giúp đỡ, động viên với người tham gia tình nguyện hiến huyết tương hồi phục.

Theo phó giáo sư Khuê, dù hướng dẫn tạm thời nhưng trên nguyên tắc vẫn phải đảm bảo tính khoa học, an toàn cho người bệnh và sẽ không ngừng được cập nhật, hoàn chỉnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ là đầu mối phối hợp cùng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và các Vụ, Cục liên quan tiếp tục theo dõi, chỉ đạo khẩn trương thực hiện hướng dẫn này khi được Lãnh đạo Bộ Y tế chính thức phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục