Việt Nam và Hàn Quốc có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy quan hệ

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam và Hàn Quốc đang có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đầu tư, thương mại.
Việt Nam và Hàn Quốc có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy quan hệ ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch tập đoàn Hyundai. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 20/6, đoàn công tác Chính phủ Việt Nam, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu, đã gặp mặt các nhà đầu tư chứng khoán Hàn Quốc tại trụ sở Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) ở thủ đô Seoul.

Phát biểu trong cuộc gặp mặt với sự hiện diện của nhiều giám đốc điều hành các công ty đầu tư chứng khoán hàng đầu của Hàn Quốc, trong đó có SK Securities, Hana Financial Investment, Hanwha Investment&Securities, Korea Investment&Securities..., Chủ tịch KOFIA Kwon Yong Won khẳng định quan hệ Việt-Hàn đang rất tốt đẹp, nhất là quan hệ kinh tế.

Ông cho biết hiện có khoảng 7.000 công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đã lên tới hơn 62 tỷ USD, trong đó nổi bật nhất là Tập đoàn Samsung với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đạt 60 tỷ USD.

Về đầu tư tài chính, Chủ tịch KOFIA cho biết số vốn của các công ty Hàn Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 đã đạt 4,5 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư và ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang có kết quả tốt, một số công ty tài chính Hàn Quốc cũng đang tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Ông hy vọng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ được nâng lên thông qua các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc đang có mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020), hai nước có văn hóa tương đồng, quan hệ ngoại giao nhân dân sôi động và chỉ trong một tháng có tới 1.000 chuyến bay giữa hai nước. Hiện có khoảng 216.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 160.000 người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam và Hàn Quốc đang có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đầu tư, thương mại.

Chia sẻ với các công ty đầu tư và chứng khoán Hàn Quốc, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việt Nam sẽ sớm công bố chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 năm tới theo hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực Việt Nam cần như công nghệ cao, thân thiện môi trường, y tế, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án luật đầu tư, doanh nghiệp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội Việt Nam vào cuối năm nay trong khi luật chứng khoán cũng sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp tới, trong đó có những sự sửa đổi chính sách theo hướng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Việt Nam cũng có nhiều chính sách thu hút vốn vào thị trường chứng khoán, trong thời gian tới sẽ phát hành cổ phiếu được chính phủ đảm bảo. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được sáp nhập để tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cho biết hiện Việt Nam đang cần nhiều vốn, vì vậy cần huy động vốn trong và ngoài nước. Trước các nhà đầu tư Hàn Quốc, Phó Thủ tướng đã khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam mong muốn và sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, hy vọng các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục ở lại, bên cạnh đó sẽ có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc mới tới Việt Nam.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), tổ chức có nhiều thành viên đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong lời phát biểu chào mừng, Chủ tịch FKI Chang Soo Huh đã khẳng định Việt Nam là đối tác không thể thiếu của Hàn Quốc và là đối tác quan trọng trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

[Việt Nam tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư]

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay Việt Nam đánh giá cao sự hiện diện của các thành viên FKI ở Việt Nam và hy vọng FKI sẽ thôi thúc thêm nhiều thành viên đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất pin, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, môi trường, y tế, bảo vệ môi trường, tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng cả Việt Nam và Hàn Quốc cần thích nghi với những sự thay đổi, biến động trong nền kinh tế thế giới, cần tận dụng những cơ hội, cùng nhau hợp tác.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác cũng đã dự tiệc chiêu đãi của ông Kim Sang Yeoul, Tổng lãnh sự danh dự Gwangju. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính, lãnh đạo Tập đoàn Hyundai và Samsung Việt Nam tại thủ đô Seoul.

Việt Nam và Hàn Quốc có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy quan hệ ảnh 2Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ngân hàng KDB. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Lãnh đạo của Tập đoàn tài chính Shinhan, công ty Alliex, lãnh đạo các ngân hàng IBK, KDB đã tới chào xã giao và trao đổi với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành những vấn đề hai bên quan tâm. Theo đó, Tập đoàn Shinhan và công ty Alliex đều bày tỏ quan tâm tới việc hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực trung gian thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam, coi đây là giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với Shinhan, đây là tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc và Chủ tịch tập đoàn này không giấu tham vọng cũng trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng KDB và IBK mong muốn được thành lập chi nhánh tại Việt Nam để tích cực tham gia hơn vào dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Ủng hộ sự hợp tác của doanh nghiệp hai bên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính phủ đã có chủ trương và ban hành các giải pháp để thúc đẩy các hình thức thanh toán mới tại Việt Nam, giảm thiểu lượng tiền mặt hiện diện trong thanh toán để tiết giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức, cá nhân. Việt Nam đang hướng tới việc chọn ngày 16/6 hằng năm là Ngày không dùng tiền mặt, giao các cơ quan liên quan xây dựng các hành lang pháp lý cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán mà không cần phải kết nối với tài khoản ngân hàng, phát triển các ngân hàng số.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính phủ đang tập trung cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, do đó từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ Việt Nam không cấp phép thành lập các ngân hàng có vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng các ngân hàng của Hàn Quốc có thể xem xét mua lại các ngân hàng yếu kém đang được cơ cấu lại hiện nay như OCEAN BANK, GPBank và CBank hoặc mua lại một công ty tài chính của Việt Nam khi thị trường này đang diễn ra sôi động ở Việt Nam.

Việt Nam và Hàn Quốc có các điều kiện cần và đủ để thúc đẩy quan hệ ảnh 3Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp mặt các doanh nghiệp Hàn Quốc tại KOFIA. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Jin Hyng Chung phụ trách Công ty Hyuandai E&C, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các dự án hạ tầng mà tập đoàn đang triển khai tại Việt Nam thời gian qua.

Phó Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ không chỉ định thầu đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và sau này là cả dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam và đề nghị Hyundai E&C tích cực chuẩn bị hồ sơ thầu để tham gia đấu thầu quốc tế, trước mắt là các gói thầu sắp tới của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Với các dự án sử dụng vốn ODA, kể cả có nguồn từ Hàn Quốc để phát triển hạ tầng, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cũng tính toán thận trọng lợi ích về lãi suất, nhà thầu để bảo đảm quyền lợi hợp lý cho hai bên để triển khai dự án. Nếu vốn ODA mà ràng buộc Việt Nam nhiều về lãi suất, nhà thầu thì Chính phủ Việt Nam sẽ tính toán vay ở trong nước với lãi suất hợp lý hơn.

Cũng trong ngày 20/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với quỹ đầu tư Vinacapital và một số doanh nghiệp khác của Hàn Quốc với chủ đề đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục