Hôm nay, 10/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Việt Nam Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Theo Bản ghi nhớ vừa được ký kết, hai bên sẽ tiếp nối các chương trình hợp tác giữa hai quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại về nông nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dự án liên quan đến dữ liệu thông tin rừng quốc gia tạo cơ sở để ngành lâm nghiệp Việt Nam quản lý hệ thống thông tin rừng hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan cho rằng mặc dù Việt Nam và Phần Lan đều có thế mạnh về nông, lâm, thủy sản nhưng quy mô thương mại về nông nghiệp còn khiêm tốn. Ông Antti Kurvinen kỳ vọng thông qua bản ghi nhớ hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại về nông nghiệp và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa hai quốc gia. Đặc biệt, Phần Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại COP 26 về chống biến đổi khí hậu.
[Triển khai kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp]
Tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn Bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Phần Lan sẽ góp phần phát huy được thế mạnh về nông nghiệp của cả hai quốc gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Phần Lan tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam để phát triển hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp, tăng cường năng lực trong quản trị rừng, trong đó có thực thi công ước Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định 6-7%/năm và là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, với nền kinh tế phát triển rất năng động.
Trong khi đó, Phần Lan có thế mạnh về lâm nghiệp, đặc biệt là chế biến gỗ; thủy sản; xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, chăn nuôi), nước thải và cấp nước nông thôn; kinh tế sinh học; kinh tế tuần hoàn, và đổi mới sáng tạo./.