Việt Nam xây dựng 4.000 tiêu chuẩn quốc gia mới

Việt Nam sẽ xây dựng 4.000 tiêu chuẩn quốc gia mới, trong đó 45% Tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2010-2015, Việt Nam sẽ xây dựng 4.000 tiêu chuẩn quốc gia mới, trong đó 45% Tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Vũ Văn Diện đã công bố kế hoạch này tại Hội nghị Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 diễn ra sáng 18/12.

Đây là một trong nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” vừa được trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.

Theo đó, 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn vệ sinh, ô nhiễm môi trường cũng sẽ được quản lý bằng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng thêm 2.000 Tiêu chuẩn Việt Nam mới, trong đó 60% Tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm-hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế.

Thập niên Chất lượng lần thứ II (2006-2015) của Việt Nam đang được các địa phương thực hiện bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng và môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam nhờ vậy đã được cải thiện rõ rệt. Giai đoạn 2006-2009, đã có hơn 1.000 Tiêu chuẩn Việt Nam mới được xây dựng và công bố, nâng tổng số Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành lên hơn 6.000 tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Diện cũng nhận định nếu duy trì quy mô và cách thức hiện nay, phong trào năng suất chất lượng sẽ không theo kịp tốc độ công nghiệp hóa và sẽ không rút ngắn được sự tụt hậu của phong trào này so với các nước lân cận.

Theo nhiều chuyên gia về năng suất chất lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cần tới một tư duy đột phá cho vấn đề này dựa trên xác lập các mục tiêu năng suất chất lượng cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, cho từng nhóm sản phẩm và hàng hóa chủ lực của nền kinh tế.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ mang tính kích cầu từ chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và xuất khẩu. Trong hơn 6.000 doanh nghiệp cả nước đạt chứng chỉ về hệ thống quản lý, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 1.500 doanh nghiệp.

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm (GDP) của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2008 đạt trên 36%, trong khi TFP cả nước là 29%.

“Vẫn còn tâm lý e ngại của nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng các phương thức đổi mới năng suất chất lượng, cho rằng điều này đòi hỏi đầu tư vật chất lớn. Nói chung, họ vẫn khá chậm chân trong việc tiếp cận các công cụ quản lý và áp dụng, phát triển các tài sản vô hình (có thể chiếm đến 75% tổng giá trị doanh nghiệp)” - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Hoài Quốc cho biết.

Mục tiêu mà Chương trình năng suất chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh nhắm tới trong giai đoạn 2020-2015 vẫn là hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân áp dụng các công cụ quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

Các hình thức hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ kinh phí, đào tạo, hỗ trợ áp dụng các công cụ nâng cao năng suất mới như sản xuất tinh gọn Lean, quản lý tri thức doanh nghiệp (KM), chuẩn đối sánh (benchmarking), thẻ điểm cân bằng (Balanced scorecard), quản lý quan hệ khách hàng (CRM)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục