Hội nghị tổng kết song phương 5 năm triển khai Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (gọi tắt là ba văn kiện pháp lý về biên giới) vừa diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Bên lề hội nghị, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Anh Dũng về một số nội dung liên quan.
Đánh giá về các kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Anh Dũng cho biết trong 5 năm qua, việc triển khai ba văn kiện về biên giới lãnh thổ trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc diễn ra khá thuận lợi.
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng việc ký kết ba văn kiện đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và vững chắc để triển khai công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ cũng như tăng cường giao lưu và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thứ hai, thực tiễn 5 năm qua cho thấy với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực biên giới được đảm bảo ổn định, giao lưu hợp tác thường xuyên, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước nói chung cũng như nhân dân ở khu vực biên giới nói riêng.
Thứ ba, trong 5 năm qua, các cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập và vận hành tương đối thuận lợi, góp phần tích cực vào quá trình hợp tác quản lý đường biên và mốc giới giữa hai bên; quản lý an ninh trật tự khu vực biên giới cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế-xã hội, văn hóa và du lịch...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh quá trình thực hiện ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cơ bản diễn ra rất thuận lợi. Các văn kiện này là một khung pháp lý đầy đủ và toàn diện về công tác quản lý biên giới nói chung cũng như các công việc liên quan khác nói riêng.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Anh Dũng cho biết trong quá trình triển khai 5 năm qua không tránh khỏi những điểm chưa thật đầy đủ hoặc chưa thật sát với tình hình thực tiễn. Ví dụ như vấn đề đường biên giới. Trong Nghị định thư về phân giới cắm mốc có những điểm mô tả chưa thật rõ ràng. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ và chân thành để cùng giải quyết những vướng mắc đó.
Một điểm nữa là, mặc dù các bên thời gian qua đã thực hiện tốt công tác giáo dục và tuyên truyền về nội dung của các văn kiện, nhưng vẫn phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác này, giúp cho người dân khu vực biên giới nói riêng và cả nước nói chung hiểu kỹ, sâu sắc và đầy đủ hơn để họ nghiêm túc chấp hành, cùng với lực lượng chức năng hai bên quản lý tốt biên giới cũng như triển khai các hoạt động giao lưu.
Các bên cũng cần điều chỉnh và làm tốt hơn nữa công tác quản lý xuất nhập cảnh. Trong bối cảnh hoạt động hợp tác và giao lưu giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh, lượng người qua lại biên giới ngày càng nhiều, công tác xuất nhập cảnh cần đi vào trật tự hơn, cố gắng hạn chế và tránh xảy ra các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra, một số vấn đề khác như tình trạng tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu, vận chuyển ma túy trái phép, buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn tồn tại, đòi hỏi hai bên cùng phải nỗ lực và tăng cường hợp tác hơn nữa để ngăn chặn.
Đánh giá về việc tổ chức cũng như kết quả đạt được tại hội nghị lần này, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Anh Dũng cho rằng việc tổ chức hội nghị tổng kết lần này là hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Hội nghị đã nhìn lại tình hình thực hiện ba văn kiện trong 5 năm qua, những hiệu quả mang lại của các văn kiện đối với công tác quản lý biên giới cũng như công tác giao lưu giữa nhân dân hai nước tại khu vực biên giới. Qua đó, hai bên cùng rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác quản lý biên giới trong thời gian tới, đồng thời cũng chỉ ra những điểm tồn tại để cùng khắc phục nhằm tiếp tục đưa các văn kiện biên giới vào cuộc sống sâu hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn nữa để cùng thực hiện mục đích xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển./.