Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 7/9 (giờ địa phương), chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge, với sự tranh tài của 9 đội thi đấu xuất sắc là các sáng kiến khởi nghiệp (start-up) Việt đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đã diễn ra tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - nơi 7 năm liền được đánh giá là trường đại học số một thế giới.
Đây cũng là một trong các hoạt động thuộc Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Là năm thứ 4 diễn ra cuộc thi, VietChallenge, cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên dành cho người Việt trên khắp thế giới do Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phát động, đã trở thành một trong những cuộc thi uy tín, tạo cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp, học hỏi và thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín cùng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Năm nay, ngay từ khi phát động, ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo start-up trẻ, với hơn 400 bài dự thi sau vòng sơ loại.
Giải Nhất cuộc thi Chung kết VietChallenge 2019 thuộc về ứng dụng Medlink - Nền tảng kết nối trực tiếp giữa các hãng dược và nhà thuốc. Ứng dụng Medlink do ECOMEDIC sáng tạo với mục đích đồng hành cùng các nhà thuốc lẻ, cung cấp nền tảng bao gồm website cho công ty dược và ứng dụng điện thoại cho các nhà thuốc, cho phép họ nhận đơn hàng online từ các công ty dược mà không cần quảng cáo hay tốn bất kỳ chi phí nào.
Từ Medlink, các nhà thuốc có thể nhận đơn hàng từ nhà cung cấp và đơn vị giao hàng, giúp tăng doanh thu nhanh chóng. Công ty dược sẽ dễ dàng quản lý đơn hàng, theo dõi tình trạng, giảm chi phí và nhân lực, đồng thời chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.
Ước tính, tại Việt Nam có khoảng 2.000 công ty dược. Chi phí của các công ty này cho việc phân phối sản phẩm chiếm khoảng 35% lợi nhuận, tương đương 1,6 tỷ USD mỗi năm. Việc ứng dụng công nghệ còn rất hạn chế khi chỉ khoảng 30% nhà thuốc dùng phần mềm quản lý kinh doanh, khiến việc kiểm kho và nhập hàng mất rất nhiều thời gian.
Giám đốc điều hành (CEO) của Medlink, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền cho biết ứng dụng Medlink là giải pháp kết nối giảm thiểu chi phí và tăng hiệu quả doanh thu cho thị trường dược.
[Thực tế và xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam]
Giải Nhì cuộc thi thuộc về giải pháp VVN AI - Cung cấp các giải pháp Trí tuệ nhân tạo nhận diện hình ảnh, text... (OCR, eKYC...) được ứng dụng trong tự động hóa quy trình giao dịch tại các cửa hàng, ngân hàng… nhằm tiết kiệm thời gian, tăng tính tiện ích và độ bảo mật cao, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đây là một giải pháp giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh số hiện nay.
Đồng giải Ba thuộc về Timobile (Indonesia) và Graam (Việt Nam). TiMobile là giải pháp tự động thay thế nhạc chuông của người nhận bằng một video cụ thể do người gọi đặt, trong khi Graam cung cấp cho doanh nghiệp một giải pháp TCall Center tiện dụng trên nền tảng điện toán đám mây.
Tại lễ trao giải, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố các giải pháp được trở thành đối tác của tập đoàn để cùng cung cấp dịch vụ tới gần 100 triệu khách hàng của Viettel trên toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng đã tham dự cuộc thi VietChallenge 2019 và trao giải cho các đội giành chiến thắng. Ông Trần Văn Tùng bày tỏ sự ủng hộ đối với các du học sinh Việt Nam khởi nghiệp sáng tạo với tư duy toàn cầu, từ đó trở về đóng góp cho quê hương, đất nước.
Việc trao đổi, kết nối với các trường đại học lớn của Mỹ như MIT, Tuff, Umass, Stanford,... - những nơi có nhiều sinh viên xuất sắc của Việt Nam theo học - cũng là cơ hội để các đại diện Việt Nam học hỏi kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp tại các trung tâm học thuật và công nghệ lớn nhất thế giới, từ đó tạo động lực phát triển hệ sinh thái trong nước.
Từ ngày 6/9, Bộ Khoa học & Công nghệ đã bắt đầu hành trình kết nối đầu tư cho startup Việt và làm việc với các đối tác lớn tại Mỹ, tiến đến quy tụ tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2019) diễn ra lần đầu tiên vào ngày 13/9 tại thành phố San Mateo (bang California). Sự kiện này sẽ quy tụ khoảng 200 trí thức, chuyên gia, nhà đầu tư và các đại diện quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hai nước.
Với mục tiêu tạo môi trường để startup Việt vươn ra quốc tế, kết nối toàn cầu cũng như học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đoàn hành trình trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2019 do Thứ trưởng Trần Văn Tùng dẫn đầu bắt đầu chương trình làm việc chuyên sâu với hàng loạt đối tác lớn tại Mỹ từ ngày 6/9 tại các thành phố Boston (bang Massachusetts) và San Francisco (bang California).
Đoàn sẽ có chuyến thăm trụ sở của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Google,... cũng như chứng kiến thành quả xây dựng và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thung lũng Silicon.
Đặc biệt, Bộ Khoa học & Công nghệ có kế hoạch ký kết hợp tác với nhiều đại diện quan trọng trong chương trình làm việc gồm Ai20x (trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Mỹ), Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup) và Stripe Inc. (công ty hỗ trợ startup mở rộng thị trường Mỹ).
Một số đối tác khác về tài chính, thúc đẩy kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái cũng tham gia chương trình làm việc như Tim Draper, Republic, 500 Startups, Founder Institute,... hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan cho khởi nghiệp Việt giai đoạn tới.
Bên cạnh phần giới thiệu của các startup trước toàn thể khách tham dự, một trong những hoạt động quan trọng nhất của ngày hội là Diễn đàn Kết nối hệ sinh thái Thung lũng Silicon - Việt Nam, nơi những đại diện quan trọng của hệ sinh thái hai quốc gia cùng thảo luận về các cơ hội kết nối giữa Việt Nam và Mỹ để thúc đẩy đầu tư, phát triển hệ sinh thái./.