Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin; công tác quản lý, điều hành giá là những tâm điểm mà các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trong sáng 23/11 tại diễn đàn Quốc hội.
Lỗ hổng trong quản lý Doanh nghiệp Nhà nước
Mở đầu cho buổi chất vấn, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh làm rõ về văn bản quy định tỷ lệ vốn khống chế mà các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước được phép đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính và hiệu quả từ công tác quản lý, giám sát của Bộ về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, căn cứ vào Nghị định 09/CP của Chính phủ ban hành năm 2009, mức đầu tư của các tập đoàn vào những lĩnh vực không phải sản xuất chính nhưng phục vụ cho sản xuất chính là không quá 30%, còn mức đầu tư vào sản xuất chính là 70%. Đối với những lĩnh vực ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, việc khống chế chặt chẽ hơn, mỗi tập đoàn chỉ được đầu tư vào một doanh nghiệp loại này và ở mức không quá 20% vốn điều lệ. Trên cơ sở đó, bộ cũng đang yêu cầu các tập đoàn báo cáo về việc này, nếu vượt quá mức cho phép sẽ phải rút vốn theo đúng quy định.
Nêu quan điểm của mình về trách nhiệm trong cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiện nay Nhà nước đang chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Những can thiệp hành chính đã rất hạn chế; giao quyền tự chủ, sản xuất kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc đầu tư, sản xuất kinh doanh đã được thay đổi theo phương thức tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm. Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp cũng đi theo hướng này.
Bộ trưởng Ninh cho rằng, cần quy định rõ chức năng quản lý Nhà nước, quản lý ngành, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, để tránh tình trạng giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp, gây phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát từ trong nội bộ hoặc từ trên xuống. Tiến tới, có thể thiết kế theo mô hình Nhà nước cử kiểm soát viên và trả lương kiểm soát viên xuống các doanh nghiệp để tăng cường giám sát, quản lý.
Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội đến trách nhiệm của Bộ Tài chính liên quan đến sự việc tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo báo cáo đến 30/6/2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 104.000 tỷ, số nợ là hơn 86.000 tỷ. Số nợ này đã nằm trong các dự án, nhà máy mà Vinashin đang đầu tư. Vinashin đã đầu tư xây dựng 110 nhà máy, trong đó 28 nhà máy hoạt động tốt.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, trong quá trình vay vốn, Vinashin đã mua một số tài sản, máy móc, tàu thuyền cũ. Số đó không mất hết, nhưng để xác định mất bao nhiều, các cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá. Bộ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra vào cuộc xác định giá trị thực của các tài sản này.
Đề cập đến câu hỏi về trách nhiệm của ba bộ (tài chính, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải) liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, quy định của Luật Doanh nghiệp đã giao cho doanh nghiệp quyền tự vay. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, thanh, kiểm tra nhưng không quyết định cụ thể từng phương án kinh doanh sản xuất, sử dụng từng nguồn vốn của Vinashin. Trong quá trình đó, Bộ cũng đã tổ chức thanh kiểm tra và đã phát hiện việc vi phạm trong sử dụng vốn của tập đoàn như sử dụng vốn chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải, làm chưa đúng quy định và đã yêu cầu Tập đoàn xử lý, khắc phục, cắt giảm các dự án đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay từ tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Vianshin phải chấp hành kiến nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước, sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Đến năm 2010, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Vinashin bàn giao dự án cho một số tổng công ty, tập đoàn khác.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là bài học cần tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn nữa khi phát hiện vi phạm. Bộ trưởng khẳng định, các bộ ngành có phát hiện ra những sai phạm tại Vinashin nhưng chưa triển khai xử lý triệt để.
Bất cập trong quản lý, điều hành giá?
Đề cập tới vấn đề, việc tăng giá đang làm giảm ý nghĩa của sự tăng trưởng, làm cho đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân rất khó khăn, Bộ trưởng Tài chính giải thích, Việt Nam là nước nhập siêu, trong đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước là 75% nên ảnh hưởng lớn bởi giá nhập khẩu. Thêm vào đó, những vấn đề trong nước như tác động của thiên tai, dịch bệnh, sức mua tăng, tỷ giá, lãi suất, giá vàng… cũng ảnh hưởng lớn đến giá cả thị trường. Sức mua cũng chỉ là một trong những yếu tố làm tăng giá. Các nước nhập siêu lớn sẽ chịu tác động tăng giá bao gồm cả chi phí đẩy và chi phí kéo. Hơn nữa một số mặt hàng trong nước chưa đi theo giá thị trường như mặt hàng điện; than bán cho điện, giấy, phân bón, ximăng…, nên cần có lộ trình điều chỉnh những mặt hàng này sát với giá thị trường để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Về giá cả tăng do yếu tố Tết, sức mua tăng chỉ là một trong những nguyên nhân, bởi thông thường, vào dịp cận Tết, do sức mua lớn nên giá cả hàng hóa thường tăng. Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là tăng cường cung hàng ra thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc này, ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo cân bằng trong cung cầu hàng hóa; đồng thời tích cực thanh, kiểm tra giá cả hàng hóa trên địa bàn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) về vấn đề sốt giá vàng, đôla năm 2009 và 2010 gần như cùng một " kịch bản,” Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc này cũng có tác động lớn đến giá cả nói chung. Tác động trực tiếp là giá hàng hóa có thay đổi và tác động gián tiếp là gây ra tâm lý chung cho xã hội và người dân khiến cung cầu căng thẳng và từ đó có tác động đến những giá khác. Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp can thiệp cụ thể để tác động, ví dụ điều chỉnh lãi suất, đảm bảo công bố ổn định tỷ giá, đưa đô la ra can thiệp thị trường, cho nhập vàng...
Những việc này được đặt trong một lộ trình, kế hoạch, kể cả điều hành lãi suất tỷ giá cũng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo tín hiệu của thị trường để điều hành, dự báo. Ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những kịch bản, chỉ tiêu giới hạn cụ thể trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu giải thích thêm, trong những tháng gần đây, đặc biệt từ 1/7/2010, giá vàng thế giới có những diễn biến rất phức tạp, có tác động vào giá trong nước bởi hai nguyên nhân chủ yếu: Các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế và tình trạng đầu cơ đang diễn ra quyết liệt.
Thống đốc cho biết gần đây, hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng phát triển nhanh và xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng. Hoạt động kinh doanh vàng tăng mạnh bắt đầu từ năm 2003 và hiện tượng đầu cơ xuất hiện mạnh trong 2009-2010. Giải pháp để xử lý tình thế chủ yếu là ổn định tâm lý thị trường, chẳng hạn cho phép nhập vàng. Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh chính sách quản lý vàng nhằm hạn chế đầu cơ trong cho vay và kinh doanh vàng. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng, tập trung vào kịch bản: Đưa vàng trong xã hội tác động nhanh, trực tiếp vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.
Về thị trường ngoại tệ, theo Thống đốc, các vấn đề như bội chi ngân sách, hiệu quả đầu tư công, vay nợ nước ngoài, nhập siêu đều là những vấn đề lớn có tác động đến thị trường ngoại hối. Đặc biệt là nhập siêu có tác động khá toàn diện đến kinh tế vĩ mô, nhất là thị trường ngoại hối, tỷ giá, giá cả, lạm phát. Năm 2009, dù Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng cán cân tổng thể vẫn thâm hụt 8,8 tỷ đôla.
Theo Thống đốc, muốn kiểm soát nhập siêu cần xem xét lại các chính sách, từ chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động giảm cầu thì mới giảm được nhập siêu. Đồng thời, tăng sản xuất, nhất là với công nghiệp phụ trợ bởi nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì khó mà giảm được nhập siêu.
Không có con số hơn 90.000 tỷ đồng chi cho Đại lễ
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) về kinh phí chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và có hay không việc mua 2.000 viên rubi từ châu Phi về để gắn mắt 1.000 con rồng làm quà tặng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã chi 218 tỷ cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, trong đó có hỗ trợ một số địa phương, chủ yếu tập trung chi lớn là Hà Nội. Hiện, Bộ đã yêu cầu báo cáo và Hà Nội đang đôn đốc việc quyết toán để có báo cáo chính thức.
Bộ trưởng khẳng định với Quốc hội: Không có con số hơn 90.000 tỷ đồng chi cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Các dự án làm đường hoặc chỉnh sửa hè phố....thì không có Đại lễ vẫn phải làm, chỉ là nhân dịp này Đại lễ phấn đấu hoàn thành để chào mừng 1.000 năm Thăng Long.
Về việc mua 2.000 viên rubi, Bộ trưởng cho biết “cũng chỉ nghe nói” như đại biểu” vì đây không phải việc chi từ tiền ngân sách mà là của Công ty cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn chi bằng tiền của doanh nghiệp, cụ thể thế nào là việc của doanh nghiệp, Bộ trưởng không nắm được.
Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tài chính ngân hàng là hoạt động rất quan trọng, khó khăn, cùng một lúc chịu sự điều chỉnh của nhiều yếu tố. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc giữ được tăng trưởng kinh tế vĩ mô như hiện nay có công lớn của Bộ Tài chính.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng tỏ ra nắm kỹ, chắc vấn đề, trả lời chu đáo, nhưng sự khái quát tổng hợp còn hạn chế. Bộ trưởng đã làm rõ thực trạng của tình hình khó khăn hiện nay để đưa ra hướng thực hiện trong thời gian tới. Quốc hội mong rằng sắp tới Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu điều tra, dự báo để có sự đối phó kịp thời; sớm điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời những quy định chưa hợp lý./.
Lỗ hổng trong quản lý Doanh nghiệp Nhà nước
Mở đầu cho buổi chất vấn, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh làm rõ về văn bản quy định tỷ lệ vốn khống chế mà các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước được phép đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính và hiệu quả từ công tác quản lý, giám sát của Bộ về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, căn cứ vào Nghị định 09/CP của Chính phủ ban hành năm 2009, mức đầu tư của các tập đoàn vào những lĩnh vực không phải sản xuất chính nhưng phục vụ cho sản xuất chính là không quá 30%, còn mức đầu tư vào sản xuất chính là 70%. Đối với những lĩnh vực ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, việc khống chế chặt chẽ hơn, mỗi tập đoàn chỉ được đầu tư vào một doanh nghiệp loại này và ở mức không quá 20% vốn điều lệ. Trên cơ sở đó, bộ cũng đang yêu cầu các tập đoàn báo cáo về việc này, nếu vượt quá mức cho phép sẽ phải rút vốn theo đúng quy định.
Nêu quan điểm của mình về trách nhiệm trong cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiện nay Nhà nước đang chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Những can thiệp hành chính đã rất hạn chế; giao quyền tự chủ, sản xuất kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc đầu tư, sản xuất kinh doanh đã được thay đổi theo phương thức tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm. Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp cũng đi theo hướng này.
Bộ trưởng Ninh cho rằng, cần quy định rõ chức năng quản lý Nhà nước, quản lý ngành, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, để tránh tình trạng giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp, gây phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát từ trong nội bộ hoặc từ trên xuống. Tiến tới, có thể thiết kế theo mô hình Nhà nước cử kiểm soát viên và trả lương kiểm soát viên xuống các doanh nghiệp để tăng cường giám sát, quản lý.
Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội đến trách nhiệm của Bộ Tài chính liên quan đến sự việc tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo báo cáo đến 30/6/2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 104.000 tỷ, số nợ là hơn 86.000 tỷ. Số nợ này đã nằm trong các dự án, nhà máy mà Vinashin đang đầu tư. Vinashin đã đầu tư xây dựng 110 nhà máy, trong đó 28 nhà máy hoạt động tốt.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, trong quá trình vay vốn, Vinashin đã mua một số tài sản, máy móc, tàu thuyền cũ. Số đó không mất hết, nhưng để xác định mất bao nhiều, các cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá. Bộ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra vào cuộc xác định giá trị thực của các tài sản này.
Đề cập đến câu hỏi về trách nhiệm của ba bộ (tài chính, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải) liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, quy định của Luật Doanh nghiệp đã giao cho doanh nghiệp quyền tự vay. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, thanh, kiểm tra nhưng không quyết định cụ thể từng phương án kinh doanh sản xuất, sử dụng từng nguồn vốn của Vinashin. Trong quá trình đó, Bộ cũng đã tổ chức thanh kiểm tra và đã phát hiện việc vi phạm trong sử dụng vốn của tập đoàn như sử dụng vốn chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải, làm chưa đúng quy định và đã yêu cầu Tập đoàn xử lý, khắc phục, cắt giảm các dự án đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay từ tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Vianshin phải chấp hành kiến nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước, sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Đến năm 2010, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Vinashin bàn giao dự án cho một số tổng công ty, tập đoàn khác.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là bài học cần tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn nữa khi phát hiện vi phạm. Bộ trưởng khẳng định, các bộ ngành có phát hiện ra những sai phạm tại Vinashin nhưng chưa triển khai xử lý triệt để.
Bất cập trong quản lý, điều hành giá?
Đề cập tới vấn đề, việc tăng giá đang làm giảm ý nghĩa của sự tăng trưởng, làm cho đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân rất khó khăn, Bộ trưởng Tài chính giải thích, Việt Nam là nước nhập siêu, trong đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước là 75% nên ảnh hưởng lớn bởi giá nhập khẩu. Thêm vào đó, những vấn đề trong nước như tác động của thiên tai, dịch bệnh, sức mua tăng, tỷ giá, lãi suất, giá vàng… cũng ảnh hưởng lớn đến giá cả thị trường. Sức mua cũng chỉ là một trong những yếu tố làm tăng giá. Các nước nhập siêu lớn sẽ chịu tác động tăng giá bao gồm cả chi phí đẩy và chi phí kéo. Hơn nữa một số mặt hàng trong nước chưa đi theo giá thị trường như mặt hàng điện; than bán cho điện, giấy, phân bón, ximăng…, nên cần có lộ trình điều chỉnh những mặt hàng này sát với giá thị trường để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Về giá cả tăng do yếu tố Tết, sức mua tăng chỉ là một trong những nguyên nhân, bởi thông thường, vào dịp cận Tết, do sức mua lớn nên giá cả hàng hóa thường tăng. Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là tăng cường cung hàng ra thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc này, ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo cân bằng trong cung cầu hàng hóa; đồng thời tích cực thanh, kiểm tra giá cả hàng hóa trên địa bàn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) về vấn đề sốt giá vàng, đôla năm 2009 và 2010 gần như cùng một " kịch bản,” Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc này cũng có tác động lớn đến giá cả nói chung. Tác động trực tiếp là giá hàng hóa có thay đổi và tác động gián tiếp là gây ra tâm lý chung cho xã hội và người dân khiến cung cầu căng thẳng và từ đó có tác động đến những giá khác. Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp can thiệp cụ thể để tác động, ví dụ điều chỉnh lãi suất, đảm bảo công bố ổn định tỷ giá, đưa đô la ra can thiệp thị trường, cho nhập vàng...
Những việc này được đặt trong một lộ trình, kế hoạch, kể cả điều hành lãi suất tỷ giá cũng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo tín hiệu của thị trường để điều hành, dự báo. Ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những kịch bản, chỉ tiêu giới hạn cụ thể trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu giải thích thêm, trong những tháng gần đây, đặc biệt từ 1/7/2010, giá vàng thế giới có những diễn biến rất phức tạp, có tác động vào giá trong nước bởi hai nguyên nhân chủ yếu: Các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế và tình trạng đầu cơ đang diễn ra quyết liệt.
Thống đốc cho biết gần đây, hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng phát triển nhanh và xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng. Hoạt động kinh doanh vàng tăng mạnh bắt đầu từ năm 2003 và hiện tượng đầu cơ xuất hiện mạnh trong 2009-2010. Giải pháp để xử lý tình thế chủ yếu là ổn định tâm lý thị trường, chẳng hạn cho phép nhập vàng. Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh chính sách quản lý vàng nhằm hạn chế đầu cơ trong cho vay và kinh doanh vàng. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng, tập trung vào kịch bản: Đưa vàng trong xã hội tác động nhanh, trực tiếp vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.
Về thị trường ngoại tệ, theo Thống đốc, các vấn đề như bội chi ngân sách, hiệu quả đầu tư công, vay nợ nước ngoài, nhập siêu đều là những vấn đề lớn có tác động đến thị trường ngoại hối. Đặc biệt là nhập siêu có tác động khá toàn diện đến kinh tế vĩ mô, nhất là thị trường ngoại hối, tỷ giá, giá cả, lạm phát. Năm 2009, dù Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng cán cân tổng thể vẫn thâm hụt 8,8 tỷ đôla.
Theo Thống đốc, muốn kiểm soát nhập siêu cần xem xét lại các chính sách, từ chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động giảm cầu thì mới giảm được nhập siêu. Đồng thời, tăng sản xuất, nhất là với công nghiệp phụ trợ bởi nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì khó mà giảm được nhập siêu.
Không có con số hơn 90.000 tỷ đồng chi cho Đại lễ
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) về kinh phí chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và có hay không việc mua 2.000 viên rubi từ châu Phi về để gắn mắt 1.000 con rồng làm quà tặng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã chi 218 tỷ cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, trong đó có hỗ trợ một số địa phương, chủ yếu tập trung chi lớn là Hà Nội. Hiện, Bộ đã yêu cầu báo cáo và Hà Nội đang đôn đốc việc quyết toán để có báo cáo chính thức.
Bộ trưởng khẳng định với Quốc hội: Không có con số hơn 90.000 tỷ đồng chi cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Các dự án làm đường hoặc chỉnh sửa hè phố....thì không có Đại lễ vẫn phải làm, chỉ là nhân dịp này Đại lễ phấn đấu hoàn thành để chào mừng 1.000 năm Thăng Long.
Về việc mua 2.000 viên rubi, Bộ trưởng cho biết “cũng chỉ nghe nói” như đại biểu” vì đây không phải việc chi từ tiền ngân sách mà là của Công ty cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn chi bằng tiền của doanh nghiệp, cụ thể thế nào là việc của doanh nghiệp, Bộ trưởng không nắm được.
Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tài chính ngân hàng là hoạt động rất quan trọng, khó khăn, cùng một lúc chịu sự điều chỉnh của nhiều yếu tố. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc giữ được tăng trưởng kinh tế vĩ mô như hiện nay có công lớn của Bộ Tài chính.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng tỏ ra nắm kỹ, chắc vấn đề, trả lời chu đáo, nhưng sự khái quát tổng hợp còn hạn chế. Bộ trưởng đã làm rõ thực trạng của tình hình khó khăn hiện nay để đưa ra hướng thực hiện trong thời gian tới. Quốc hội mong rằng sắp tới Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu điều tra, dự báo để có sự đối phó kịp thời; sớm điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời những quy định chưa hợp lý./.
Quang Vũ-Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)