Vĩnh biệt 'kỳ nhân tiền cổ Hà thành' - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Bá Đạm

Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Bá Đạm đã tạ thế, hưởng thọ 103 tuổi. Ông là chủ nhân Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2018.

Ông Nguyễn Bá Đạm (giữa) nhận Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội trong hệ thống Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2018. (Ảnh: TTXVN)
Ông Nguyễn Bá Đạm (giữa) nhận Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội trong hệ thống Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin từ gia đình, ông Nguyễn Bá Đạm - người đã cống hiến cả cuộc đời nghiên cứu văn hóa Thủ đô đã từ trần ngày 12/7, hưởng thọ 103 tuổi.

Ông Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Những năm kháng chiến, ông dạy học tại Cao Bằng, sau đó về làm cán bộ của Sở Giáo dục Hà Nội phụ trách hai huyện Gia Lâm và Đông Anh, đến năm 1982 thì nghỉ hưu.

Một số công trình nghiên cứu của ông đã được in thành sách như: “Hà Nội thuở ấy”“Hà Nội những câu chuyện kể cuối thế kỷ XIX-XX”

Ông có đam mê sưu tầm cổ vật, tiền cổ và những kỷ vật về các văn nghệ sỹ. Ông được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành.”

Khi còn nhỏ, ông từng được đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và thích thú khi ngắm những đồng tiền cổ trưng bày trong tủ kính. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu và đam mê sưu tầm tiền cổ. Có thời kỳ, ông còn bán hết cả những đồ đạc quý giá trong nhà để đổi lấy những bộ sưu tập tiền cổ mà mình yêu thích.

buixuanphai.jpg
Chân dung ông Nguyễn Bá Đạm do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ.

Với cốt cách tao nhã và một tâm hồn sâu sắc, trân trọng cái đẹp, ông trở thành bạn tâm giao của nhiều văn nghệ sỹ như tứ kiệt “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), nhà văn Nguyễn Tuân…

Ông cũng chính là “người mẫu” của họa sỹ Bùi Xuân Phái, là người được danh họa vẽ chân dung nhiều nhất với 242 bức trên đủ các chất liệu. Đặc biệt và ấn tượng nhất là bộ tranh chân dung 12 bức được họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ trên 12 vỏ bao diêm.

Ở tuổi 96, ông Nguyễn Bá Đạm được Báo Thể thao-Văn hoá (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái trao Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội (năm 2018).

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái khi đó nhận xét ông Nguyễn Bá Đạm đã dành cả đời thầm lặng để yêu Hà Nội. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật kinh kỳ, người đã cống hiến cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô.

“Có thể công chúng chưa biết nhiều về Nguyễn Bá Đạm với những công việc thầm lặng đó, nhưng ai biết ông đều rất ấn tượng về một ‘tâm hồn Hà Nội’ thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sỹ Hà Nội. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, nhưng sử dụng rất nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng,” nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.

dangthuy.jpg
Ông Nguyễn Bá Đạm là người có nhiều nghiên cứu cho văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Đặng Thủy)

Hay tin ông Nguyễn Bá Đạm về với “cõi người hiền,” nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân bày tỏ sự thương tiếc và thành kính tiễn biệt ông.

Ông Lại Nguyên Ân đã có nhiều dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm, lần gần đây nhất là khoảng dăm năm trước.

“Khi ấy cụ Đạm vẫn khỏe. Tôi đến nhà chơi, cụ còn đi đâu đó, tôi phải ngồi đợi. Nói chuyện với cụ, tôi có thêm được rất nhiều hiểu biết về đời sống các vùng ven nội thành từ xưa đến nay. Xin thành kính tiễn biệt cụ,” ông Lại Nguyên Ân nói.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (tác giả sách “Hà Thành hương xưa vị cũ,” “Hà Nội mến thương”) cho biết vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Bá Đạm đã dành nhiều thời gian cho việc trò chuyện với bà con làng nước, ghi chép hệ thống lại các tư liệu văn hóa lịch sử của làng quê, kể cả danh lam thắng cảnh, phong tục, nếp sống cùng những biến động về địa lý, tài vật của đất Kẻ Mọc (Giáp Nhất) trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 đến nay.

“Trong vai trò Trưởng Ban quản lý Di tích Giáp Nhất, cụ Nguyễn Bá Đạm đã lần giở nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy, làm lại hồ sơ các di tích để tiến hành xin xếp hạng cho cụm di tích làng Giáp Nhất, tham gia tổ chức Lễ hội Năm làng Mọc nổi tiếng Thủ đô. Người làng gặp cụ, ai ai cũng kính cẩn cúi chào và hỏi thăm, rất trân quý,” nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung cho biết.

Lễ tang ông Nguyễn Bá Đạm diễn ra ngày 17/7 tại Nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục