Sáng 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Freeland Foundation (Tổ chức phi chính phủ thực hiện các chương trình chống buôn lậu quốc tế) phối hợp tổ chức.
Đây là giải thưởng nằm trong khuôn khổ chương trình Khu vực châu Á Hành động chống nạn buôn lậu động vật hoang dã (ARREST).
Tại Lễ trao giải, 5 cán bộ thực thi pháp luật và 2 nhà báo có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam đã được vinh danh gồm Huỳnh Quốc Thắng-Cán bộ hải quan, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất; Nguyễn Duy Toại-Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Bắc Kạn; Nguyễn Hữu Hóa-Cán bộ bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn Sao La (Thừa Thiên Huế); Nguyễn Trọng Khôi-Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh; Trần Hữu Hồng-Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An; Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động); Lê Thị Hồng Vân (Báo Nhân Dân).
Tiến sỹ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều vụ buôn bán ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác được phát hiện và xử lý ngày càng tăng, thể hiện cam kết ngày càng mạnh mẽ trong công tác đấu tranh của lực lượng thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân đối với vấn đề này cũng góp phần rất lớn giúp biến chuyển cục diện ngày càng xấu đi của các loài động vật hoang dã. Từ đó, những tấm gương sáng, nhiều gương mặt tiêu biểu có thành tích trong hoạt động vì sự nghiệp bảo tồn ngày càng nhiều. Đây là những điểm sáng tích cực cần được vinh danh, ghi nhận.
Theo bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, những cá nhân được vinh danh ngày hôm nay chỉ là đại diện của hàng triệu người đang hàng ngày nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Bên cạnh các cán bộ thực thi pháp luật và các nhà báo tiêu biểu còn có nhiều tổ chức ban ngành đoàn thể khác, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là cộng đồng đã và đang tích cực cùng tham gia.
Nhờ những nỗ lực chung của mọi tầng lớp trong xã hội mà đa dạng sinh học của đất nước có cơ hội tồn tại, phục hồi và phát triển.
Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học độc đáo và phong phú với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Tuy vậy, các loài động vật hoang dã hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép.
Việt Nam bị coi là một trong những điểm nóng về nạn buôn bán động vật hoang dã với các mạng lưới xuyên quốc gia hoạt động tinh vi, có tổ chức. Mỗi năm, hàng tấn động vật hoang dã bị buôn bán để phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm thuốc và đồ mĩ nghệ tại thị trường trong và ngoài nước.
Từ năm 2014 đến cuối tháng 8/2015, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận 12 vụ buôn bán sừng tê giác và 34 vụ buôn bán ngà voi.
Chỉ tính riêng trong tháng Tám, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10 tấn ngà voi và sừng tê giác. Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết hại để lấy sừng.
Với tốc độ săn bắt và buôn bán như hiện nay, rất nhiều các loài động vật hoang dã quý hiếm khác như hổ, gấu, tê tê, voi, sao la và nhiều loài linh trưởng sẽ sớm bị tuyệt chủng./.