Lâu nay, trẻ con thường được tặng gấu bông, được dạy những bài hát, và được nghe kể chuyện về “bạn gấu” dễ thương, ăn mật ong, mút ngón tay, ngủ suốt mùa đông lạnh. Thế nhưng, sự thực thì gấu đang bị săn đuổi cùng cực, bị chích hút mật và đối xử hết sức tàn nhẫn.
Cho đến nay, mặc dù số lượng gấu trong các trang trại chỉ còn khoảng 1.200 cá thể, cùng với đó nhu cầu sử dụng mật gấu đã giảm tới 61% trong vòng 5 năm qua, thế nhưng chặng đường bảo vệ loài “sách đỏ” này vẫn chưa thể dừng lại.
Những nạn nhân tội nghiệp của "công nghiệp hút mật"
Nhu cầu tiêu thụ mật gấu hiện đang là mối đe dọa lớn đến sự tồn vong của các loài gấu Việt Nam, nhất là loài gấu ngựa và gấu chó.
Theo tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động vật Châu Á (một tổ chức từ thiện hướng tới chấm dứt mọi sự tàn ác đối với động vật), đã là gấu nuôi lấy mật thì chúng sẽ chết mòn và sống đau đớn trong các khung sắt. Những con gấu được cứu hộ từ hoạt động buôn bán, nuôi nhốt trái phép thì tàn tật, kiệt quệ, ốm đau.
Đơn cử như tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (nằm trong thung lũng Chắt Dậu xinh đẹp thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đang chăm sóc 139 cá thể gấu. Thế nhưng, đa số các cá thể gấu khi được cứu hộ về đây đều trong tình trạng sức khỏe rất yếu, răng vỡ, chân tay nứt nẻ do bị nhốt nhiều năm trong cũi sắt, thậm chí có những cá thể bị mù mắt, cụt chi và phải cắt bỏ túi mật.
Theo ghi nhận của phóng viên báo VietnamPlus, tại “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam này hiện có đến 4 cá thể gấu bị mù hoàn toàn, 2 chú mất một mắt, rất nhiều gấu bị thị lực yếu. 17 gấu bị mất chi, 6 gấu bị thương tật ở chi do bị bẫy ngoài tự nhiên, hoặc bị thương tổn.
Trong số các chú gấu tại trung tâm này, Vandrew là một chú gấu thực sự đặc biệt. Năm 2010, khi tới cứu hộ tại một trại gấu ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), các chuyên gia của Tổ chức Động vật Châu Á đã bắt gặp Vandrew đang quằn quại trong lồng sắt vì bị mất hẳn cả một cánh tay.
“Vandrew còn phải chịu một nỗi đau mãn tính do một mắt bị hỏng, không thể phục hồi lại được, túi mật và gan của cậu cũng có nhiều vết sẹo đau đớn do bị chọc kim vào lồng ngực nhiều lần để hút mật. Đến nay, túi mật của cậu đã bị tổn thương nặng nề và một con mắt bị nhiễm trùng đã phải cắt bỏ,” tiến sỹ Tuấn Bendixsen chia sẻ.
Không riêng gì Vandrew, chú gấu ngựa Zebedee được cứu hộ từ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng từng bị đối xử tàn nhẫn. Năm 2009, Zebedee được “giải cứu” khi cậu bị nhốt trong một gian bếp suốt 13 năm mà không có một tia nắng mặt trời nào rọi đến.
“Mũi của Zebedee bị hỏng hoàn toàn không thể bình phục lại được vì bị đánh khi còn là một chú gấu con. Khẩu phần ăn tồi tệ đã làm hỏng răng của Zebedee. Trong lần kiểm tra sức khỏe đầu tiên, người ta đã phải nhổ đi 12 chiếc răng. Sau này, trong lúc phẫu thuật cắt bỏ túi mật bị hỏng nghiêm trọng của Zebedee, các bác sỹ thú y còn tìm thấy 1 chiếc tăm trong bụng gấu,” tiến sĩ Tuấn Bendixsen nói.
Tương lai loài gấu đi về đâu?
Không chỉ những cá thể gấu to, lớn từng bị nuôi nhốt mới phải chịu cảnh đau đớn, mà có những cá thể gấu còn non, khỏe mạnh vì được cứu hộ sớm, được chăm sóc đến lúc trưởng thành ở "ngôi nhà gấu" lớn nhất Việt Nam cũng phải sống tạm trong các khu bán hoang dã, vì chẳng còn khu rừng nào an toàn mà trở về.
Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus về hướng tìm “ngôi nhà tự nhiên” cho các cá thể gấu, tiến sĩ Tuấn Bendixsen cho biết, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cũng định hướng tái thả những cá thể gấu khỏe mạnh, không bị tổn thương thương tật về tự nhiên nếu có những khu rừng đảm bảo an toàn, phù hợp với sinh cảnh của gấu.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tuấn Bendixsen, việc tái thả gấu khỏe mạnh về một môi trường rừng cụ thể cần có nghiên cứu cẩn thận các điều kiện sinh học để đảm bảo gấu thả về rừng có thể sống được, không xâm hại đến các loài động thực vật địa phương, cũng như không bị bắt trái phép.
“Chính vì vậy, tìm một khu vực rừng, khu bảo tồn đảm bảo các yếu tố này không hề dễ dàng chút nào. Bên cạnh đó, như tôi đã đề cập ở trên, đa số gấu về trung tâm đều có thương tật hoặc khiếm khuyết hoặc quá già yếu, những cá thể gấu đó sẽ không thể sống sót nếu tái thả về tự nhiên. Vì vậy, Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho chúng,” tiến sĩ Tuấn Bendixsen nói.
Giám đốc “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam cũng lưu ý, bảo vệ các cá thể còn bị nuôi nhốt và chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, cách duy nhất đó là cứu hộ toàn bộ gấu đang nuôi nhốt về các trung tâm bảo tồn như Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam; đồng thời phải tăng cường việc tuyên truyền giảm tối đa nhu cầu sử dụng mật gấu.
Điều đáng buồn là, cho đến nay, các nhà nghiên cứu cũng chưa nhân giống thành công các cá thể gấu con ở trung tâm cứu hộ. Loài gấu, chúng cũng không thể sinh sản nếu không được ở trong môi trường hoang dã thật sự của mình. Dù vậy, việc chăm sóc những cá thể gấu còn sống vẫn là việc làm phúc lợi cần thiết cho loài “sách đỏ” này.
“Cũng như các loài động vật hoang dã khác, gấu nên được sống trong môi trường tự nhiên mà vốn dĩ là của chúng. Chúng cần được đối xử nhân đạo. Và chúng sinh ra không phải để phục vụ mục đích của con người, để bị nhốt trong cũi sắt và bóng tối, chịu đựng đau đớn vì bị ‘khai thác’ mật đến kiệt quệ,” tiến sĩ Tuấn Bendixsen nhấn mạnh./.