Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt trên địa bàn.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1Mô hình trồng thanh long đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ.

Trên cơ sở đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mô hình của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ; tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ thuật sản xuất hữu cơ, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn về hữu cơ cho bà con nông dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với 3ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen 2ha tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.

[Bình Thuận phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030]

Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như Thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10ha tại huyện Lập Thạch; 3ha rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; 2ha dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; 150ha lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong số đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi; 9 cơ sở thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Trên thực tế, chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đã giúp các hộ nông dân nắm được quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác hữu cơ, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đất trồng được cải tạo, bổ sung một lượng mùn lớn làm cho đất tơi xốp, số lượng các vi sinh vật tăng lên, cân bằng chất dinh dưỡng trong đất; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 2Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Vĩnh Phúc. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)

Đơn cử, mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Định Trung cho năng suất rau đạt từ 300-350 tạ/ha/năm, giá trị ước đạt 520 triệu/ha/năm; các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, năng suất đạt bình quân 420 tạ/ha, sản lượng đạt trên 63.000 tấn/năm đã được hình thành ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc liên kết, triển khai với diện tích 120,4ha trên các cây trồng như lúa, rau su su, dưa lê, thanh long ruột đỏ; Hợp tác xã Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên liên kết với các hộ dân trên địa bàn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô trên 150ha/năm.

Theo đánh giá của các đơn vị triển khai, giá các sản phẩm hữu cơ và theo hướng hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường từ 10-15%.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Hoàng Anh-Agritech cũng liên kết với các hộ dân xã Thanh Vân huyện Tam Dương triển khai 3 mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với quy mô 25.000 con; mang lại hiệu quả tương đối tốt, bình quân 1.000 con gà đẻ trứng có lãi cao hơn 22 triệu đồng so với chăn nuôi thông thường.

Theo Đề án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 3Vườn thanh long ruột đỏ của một hộ gia đình ở thôn Đồng Núi, xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục