Vĩnh Phúc hân hoan chào đón Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI

Những ngày này, ở thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) rực rỡ cờ, hoa, panô, áp phích... để chào đón Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI.
Vĩnh Phúc hân hoan chào đón Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI ảnh 1Cảnh quan Trung tâm của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) diễn ra từ ngày 14​-16/10. Những ngày này, ở thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) rực rỡ cờ, hoa, panô, ápphích... để chào đón sự kiện trọng đại này.

 

Quê hương "​khoán hộ," "​khoán 10" một thời từng được cả nước biết đến, giờ đây tiếp tục khẳng định mình là một tỉnh phát triển.

Tạo sự bứt phá

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Vĩnh Phúc liên tiếp đạt được những thành tựu lớn, kết quả cao là do tỉnh đã bám sát các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; đồng thời tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, tranh thủ các nguồn lực đầu tư và kêu gọi đầu tư để tập trung phát triển kinh tế-xã hội.

Hơn 15 năm về trước, ở Vĩnh Phúc cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thời điểm tái lập tỉnh (1997), Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo, đời sống người dân phụ thuộc lớn vào kinh tế nông nghiệp, trong khi đó diện tích đất canh tác nhỏ hẹp.

 

Trước thực trạng này, Đảng bộ tỉnh đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996-2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ sang công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ. Nhiệm kỳ XIV (2005-2010), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết mở đường cho sự phát triển vượt bậc của tỉnh; trong đó có các Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020...

Vĩnh Phúc nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân trong và ngoài nước.

Trong 5 năm 2005-2010, Vĩnh Phúc đã thu hút hơn 500 dự án mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc cùng giai đoạn này đạt 17,4%/năm, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra là 14-14,5%/năm. Giai đoạn 2010-2015, Vĩnh Phúc đã thu hút được 268 dự án, trong đó có 102 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 1,26 tỷ USD.

Từ một tỉnh nghèo và thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, đến nay Vĩnh Phúc đã là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, là trung tâm sản xuất ôtô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, tiến bộ, đặc biệt là hai trung tâm đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên.

Chuyển biến nhanh và ấn tượng

Giai đoạn 2010-2015, kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 6,2%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, tỉnh có cơ cấu kinh tế, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 62,1%, dịch vụ chiếm 28,5%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 9,4%.

Nếu như thu ngân sách khi mới tái lập tỉnh (năm 1997) chỉ đạt 100 tỷ đồng thì đến năm 2014, thu ngân sách tỉnh đạt gần 21.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 17.703 tỷ đồng. Năm 2015, thu ngân sách ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng. Kinh tế của tỉnh phát triển mạnh, có nguồn thu ngân sách cao.

Từ năm 2004, tỉnh đã miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; miễn học phí cho học sinh mầm non ở khu vực nông thôn; cấp đất dịch vụ cho nông dân ở những nơi giao đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị và hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ xây nhà văn hóa thôn; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi bởi tỉnh đã có những tiền đề cơ bản, nhất là cơ sở hạ tầng được xây dựng đi trước một bước so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Ngay từ năm 2006, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020. Đến hết năm 2014 Vĩnh Phúc có gần 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dự kiến đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 72 xã, đạt tỷ lệ 64,3% số xã trong tỉnh. Tỉnh phấn đấu hết năm 2018 có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, Vĩnh Phúc đang nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, công nghiệp phụ trợ... Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả ngành "công nghiệp không khói," trước mắt tập trung vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Hồ Đại Lải, hệ thống di tích, các công trình văn hóa tín ngưỡng...

Tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã... Các khu công nghiệp, đô thị, công sở, bệnh viện, trường học, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, làng nghề... đã mọc lên.

Tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sử dụng các nguồn vốn đầu tư hiệu quả, làm tốt công tác quy hoạch và hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, văn minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục