Vĩnh Phúc thu hút thêm nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong 9 tháng qua, Vĩnh Phúc đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 172,58 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 18 lượt dự án.
Vĩnh Phúc thu hút thêm nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ảnh 1Công ty sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản 100% vốn đấu tư của Hà Lan hoạt động tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Liên tiếp trong vài tháng qua, nhiều nhà đầu tư, chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tìm đến Vĩnh Phúc để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho ôtô, xe máy, cơ khí, chế tạo...

Đây là những nỗ lực lớn của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhằm tạo sự đa dạng, phong phú trong phát triển công nghiệp, đặc biệt giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.

Theo báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Vĩnh Phúc, trong 9 tháng qua, Vĩnh Phúc đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 59 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và dự án có vốn đầu tư trong nước, điều chỉnh tăng vốn cho 18 lượt dự án, trong đó cấp mới cho 22 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 172,58 triệu USD.

Điển hình như Dự án nhà máy sản xuất gạch ốp lát của Công ty Cổ phần Prime Group tại huyện Bình Xuyên với vốn đầu tư trên 41 triệu USD (chuyển đổi từ vốn đầu tư trong nước sang FDI); Dự án nhà máy sản xuất lưới in của công ty TNHH Shinwa-MD, tổng vốn đầu tư 600.000 USD; Dự án sản xuất và lắp ráp xe máy điện của Công ty Cổ phần Việt Nam E-Bkike với tổng vốn đầu tư gần 937.000 USD...

Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 199 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD và có 598 dự án có vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 43.346,89 tỷ đồng.

Trong năm 2015, Vĩnh Phúc tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào thị trường các nước tiềm năng, những quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng phát triển quỹ đất.

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút nhiều lao động, chủ yếu là lao động phổ thông với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Các doanh nghiệp đã và đang tuyển dụng lao động chủ yếu là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục