Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiến trình nghiên cứu, phát triển vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả trong trường hợp virus SARS-CoV-2 gây đại dịch này đã biến thể.
Phát biểu tại một cuộc họp báo của Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc ngày 20/10 tại Bắc Kinh, ông Điền Bảo Quốc (Tian Baoguo) - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật phát triển xã hội thuộc bộ trên - cho biết Trung Quốc rất lưu tâm khả năng biến thể của virus SARS-CoV-2 và nước này đã giao nhiệm vụ cho hơn 30 cơ quan trên toàn quốc thực hiện các nghiên cứu liên quan vấn đề này.
Theo ông Điền Bảo Quốc, hiện có gần 150.000 trình tự gene của virus SARS-CoV-2 trong cơ sở dữ liệu toàn cầu (gồm hơn 100 quốc gia và khu vực).
Các kết quả phân tích đối với hơn 80.000 trình tự gene chất lượng cao cho thấy virus này không có nhiều biến thể.
Những biến thể của virus SARS-CoV-2 đều nằm trong giới hạn bình thường và không có tác động đáng kể đến công tác nghiên cứu phát triển vắcxin.
Hiện tại, mẫu kháng nguyên của vắcxin ngừa COVID-19 chủ yếu nhắm vào protein S của virus SARS-CoV-2 - một loại protein có trình tự gene tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, những đột biến tại các vị trí riêng lẻ của protein S hiện có ít ảnh hưởng đến cấu trúc kháng nguyên và cơ chế tạo miễn dịch của cơ thể.
Ông Điền Bảo Quốc cho biết các thử nghiệm trước đây đã chứng minh rằng các loại vắcxin đang được thử nghiệm hiện nay có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả virus SARS-CoV-2 đã biến thể.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/10, Chính phủ Brazil đã quyết định đưa CoronaVac - loại vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 do hãng Sinovac (Trung Quốc) phát triển - vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Như vậy, CoronaVac là vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng thứ hai được đưa vào chương trình tiêm chủng của quốc gia Nam Mỹ 230 triệu dân này, sau các vắcxin do hãng dược phẩm AstraZeneca và trường Đại học Oxford của Anh cùng phát triển.
[Anh đầu tư hơn 43 triệu USD cho phát triển vắcxin ngừa COVID-19]
Chính phủ Brazil đã lên kế hoạch mua vắcxin của Anh và tiến hành sản xuất tại trung tâm nghiên cứu y sinh học FioCruz ở thành phố Rio de Janeiro, trong khi vắcxin của Trung Quốc đang được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu Butantan của bang Sao Paulo.
Thống đốc bang Sao Paulo - ông Joao Doria - cho biết chính phủ liên bang đã đồng ý mua 46 triệu liều vắcxin của Sinovac và chương trình tiêm chủng quốc gia dự kiến triển khai vào tháng 1/2021, Brazil sẽ trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới tiêm đại trà vắcxin ngừa COVID-19.
Trước đó, ngày 19/10 vừa qua, Viện Butantan đã thông báo kết quả sơ bộ của những thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vắcxin CoronaVac trên 9.000 tình nguyện viên, cho biết loại vắcxin hai liều này của Trung Quốc là an toàn.
Theo Giám đốc Viện Butantan - ông Dimas Covas - dữ liệu về tính hiệu quả của vắcxin sẽ không được công bố cho đến khi hoàn tất quá trình thử nghiệm.
Ông đồng thời nhấn mạnh những kết quả nêu trên mới chỉ là đánh giá sơ bộ và các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo sát tình hình sức khỏe của những người đã tham gia thử nghiệm.
Hiện, các thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắcxin của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Tính đến 12 giờ 30 ngày 21/10 (theo giờ Việt Nam), nước này đã ghi nhận 5.274.817 ca mắc COVID-19, trong đó gần 154.888 trường hợp tử vong./.