VN sử dụng năng lượng hạt nhân có trách nhiệm

Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một quốc gia phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân có trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân.

Trong cuộc họp báo được tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ vào ngày 13/4 ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân kết thúc, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết Việt Nam đã tích cực và chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống cơ quan quản lý về kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh đối với việc sử dụng vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ.

Đồng thời, Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng liên quan trong lĩnh vực này. Những thành tựu, nỗ lực và đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một quốc gia phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân có trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã được mời trong số ít các nguyên thủ quốc gia phát biểu đầu tiên trong phiên họp toàn thể thứ nhất sáng 13/4.

Thủ tướng đã trao đổi và đề xuất về các vấn đề như tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong đào tạo nhân lực, trợ giúp kỹ thuật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý để phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hiệu quả; tăng cường vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để cơ quan này thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình; hoàn thiện cơ chế tham vấn các quốc gia khi xây dựng cơ chế, quy định về bảo đảm an ninh hạt nhân để các hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả hơn.

Bộ trưởng khẳng định: "Những hoạt động thực tế về đảm bảo an toàn, an ninh của Việt Nam trong quá trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử là những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh, chống khủng bố hạt nhân, giải trừ và không biến vũ khí hạt nhân."

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Mỹ về chính sách của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình được thể hiện trong các văn bản quan trọng như Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2020 do thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/1/2006; Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/7/2007; Luật Năng lượng Nguyên tử được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009."

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được ban hành và đang được xây dựng.

Để đảm bảo an ninh trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Việt Nam đã tham gia và triển khai thực hiện cả ba yêu cầu đối với an ninh hạt nhân, đó là: gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế; tham gia các thiết chế quốc tế; và tham gia các sáng kiến và cơ chế đa phương và song phương.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã tham gia 13 trong số 16 điều ước quốc tế (gồm hiệp ước, hiệp định, công ước, nghị quyết và sáng kiến) liên quan đến an toàn, an ninh, chống khủng bố hạt nhân. Ngoài ra, Việt Nam đã ký 6 Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc và Argentian. Gần đây, ngày 30/3/2010, Việt Nam đã ký với Mỹ bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Bộ trưởng cho biết hiện nay, Việt Nam là quốc gia thành viên của IAEA, Tổ chức các nước tham gia Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, gọi tắt là Tổ chức hợp tác vùng (RCA), và Diễn đàn Hợp tác Hạt nhân châu Á (FNCA).

Việt Nam đã tham một số sáng kiến quốc tế như chuyển đổi nhiên liệu từ loại urani độ giàu cao (HEU) sang urani độ giàu thấp (LEU) của lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt; ủng hộ Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân do Nga và Mỹ khởi xướng; tiến hành các bước đi để đảm bảo an ninh các nguồn phóng xạ và hợp tác với IAEA về an ninh hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, thành công của hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện trong việc phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh, chống khủng bố hạt nhân, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục