Nhắc đến Bình Định thì không thể bỏ qua võ thuật cổ truyền. Từ vùng đất này khoảng 250 năm trước, đoàn quân Tây Sơn lên đường và lập các chiến công hiển hách. Điều đáng chú ý là những bài võ ấy vẫn được lưu truyền và gìn giữ ở thời này.
Tọa lạc tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, chùa Long Phước là một trong những nơi như vậy. Nơi đây đang lưu giữ nhiều binh thư, các bài võ cổ từ thời Tây Sơn. Đó là những bài võ đẹp mắt, khỏe khoắn và mạnh mẽ như Long Lôi Đao của tướng Võ Văn Dũng, Song Phượng Kiếm của Đô đốc Bùi Thị Xuân và nhiều tướng lĩnh cùng thời khác.
“Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định cầm roi đi quyền.” Đó là những câu ca dao cho thấy hào khí ở đất võ này.
Năm 2014, võ thuật Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Không chỉ lan rộng ra các vùng trong cả nước, võ Bình Định đang ngày càng vươn xa, xác lập vị thế trên trường quốc tế.
Đến nay toàn tỉnh có gần 180 võ đường, câu lạc bộ Võ cổ truyền, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Dẫu đa dạng các trường phái, nhưng tinh thần chung của võ thuật cổ truyền Việt Nam, không gì khác, chính là nhằm trau dồi bản thân, không chỉ ở mặt thể chất mà còn ở trí tuệ, để biết bảo vệ cho lẽ phải và trở thành người có ích cho xã hội./.
Hành trình khẳng định vị thế độc tôn của Võ Cổ truyền Bình Định
Hướng tới mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng của võ thuật cổ truyền Việt Nam, những người con của Đất Võ Bình Định đã và đang nỗ lực đưa tinh hoa môn võ cổ truyền của dân tộc vươn tầm quốc tế.