Với TPP, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa

Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực chuyển mình, thay đổi để đáp ứng những quy định ngày càng cao của thị trường xuất kh​ẩu như an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa...
Với TPP, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa ảnh 1Chế biến cá phi lê xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 15/4, tại hội thảo "TPP - Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam" tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã và đang lên chiến lược cho những cơ hội cũng như thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn

Nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.

Mặt khác, các nước TPP với 800 triệu dân đang chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới này.

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên (CNS) nhận định Việt Nam tham gia TPP sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh giữa CNS với doanh nghiệp đến từ các nước không là thành viên của TPP.

Điển hình là thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi nhiều thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Canada, Nhật Bản... giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các đối tác tiềm năng, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 4-5% GDP và 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu. Hiện nay, thủy sản Việt Nam có mặt tại 165 thị trường và đặt mục tiêu đạt trên 7 tỷ USD trong năm 2016.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp thủy sản Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập hơn nữa vào những thị trường xuất khẩu. Điển hình, khi TPP có hiệu lực thì mặt hàng tôm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các nước như Argentina, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ecuado.

Tương tự, FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt Nam so với các nước Argentina , Ấn Độ...

Dưới góc độ doanh nghiệp tư nhân, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ TPP tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh bình đẳng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ở khu vực Nam Mỹ như Chile, Mexico...

Với khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ, Tập đoàn Hoa Sen sẽ gia tăng được lợi thế cạnh tranh. TPP là thời cơ lớn để doanh nghiệp phát huy sức mạnh sức, nâng cao năng lự cạnh tranh, vươn ra các thị trường xuất khẩu.

Yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa

Mặc dù nhận định là TPP nói riêng và các FTA nói chung sẽ tạo nên "cú hích" lớn cho xuất khẩu Việt Nam cũng như cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, nhưng các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhấn mạnh về các thách thức trong hội nhập. Doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực chuyển mình, thay đổi để đáp ứng những quy định ngày càng cao của thị trường xuất kh​ẩu như an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi...

Cụ thể, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ đòi hỏi một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, mới có thể tận dụng được sự ưu đãi về thuế quan.

Nhằm tận dụng được cơ hội khi TPP có hiệu lực vào năm 2018, ông Mai Hoài Anh, Giám đốc điều hành hoạt động Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết hiện nay, Vinamilk đã và đang chuẩn bị các chiến lược mới để thâm nhập và phát triển thị trường tại các nước thành viên TPP, trong đó, Vinamilk xác định đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh, trước tiên cần đặt mục tiêu chất lượng sản phẩm, công nghệ, dây chuyền sản xuất theo các tiêu chuẩn ngang bằng với tiêu chuẩn các nước phát triển.

Bên cạnh đó, Vinamilk đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường các nước TPP đồng thời linh hoạt thực hiện các đơn hàng nhỏ để thiết lập nền tảng kinh doanh, đưa hàng hóa tiến vào các thị trường tiềm năng.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu, ông Đoàn Văn Lục, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất cao su Liên Anh, nhận định đối với ngành cao su, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cạnh tranh hơn một số nước khác nhưng về chất lượng thì chưa bằng do giống cây, kỹ thuật trồng cũng như công tác thu mua, quy hoạch còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Công Thương cần phổ biến đến doanh nghiệp nhiều hơn về chính sách quy định và rào cản kỹ thuật cho nhập mủ cao su của các nước TPP.

Đặc biệt, các ban, ngành cần xem xét xây dựng mô hình liên kết 3 nhà gồm: nhà nông, nhà sản xuất và ngân hàng để hỗ trợ ngành cao su.

Với TPP, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đánh giá về tác động TPP, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau. Các ngành hàng của Việt Nam được hưởng lợi thế nhiều có thể kể đến là hàng nội thất, túi xách, da giày, may mặc, một số mặt hàng nông nghiệp... Còn những ngành kém lợi thế sẽ bị cạnh tranh ở nhiều mức độ khác nhau.

Tương tự, các doanh nghiệp có đủ năng lực, sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng sẽ khai thác hiệu quả các lợi thế từ TPP. Riêng những đơn vị sản xuất, kinh doanh yếu kém sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh và mở rộng thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục