Việt Nam có tới trên 70% dân số làm nông nghiệp nên việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đúng đắn, cần thiết và có yếu tố quyết định tới sự phát triển trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Các chính sách, định hướng cũng như nguồn vốn Nhà nước tập trung cho nông nghiệp cũng đã “đủ” nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự “bứt phá,” khi cơ hội “mở ra” được đánh giá đã có trọng tâm, trọng điểm.
Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.
Vốn đã “đủ” nhưng khó tiếp cận
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thừa nhận: Nguồn vốn Nhà nước tập trung cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đủ do thời gian qua, các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị nguồn vốn cho vay đúng với định hướng phát triển sản xuất tam nông. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng quan tâm tới lĩnh vực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để phát triển tam nông.
“Tuy nhiên, khó khăn thực tế là người cần vay vốn thì khó tiếp cận nguồn vốn, bởi các hộ nghèo không đáp ứng được điều kiện, không có giấy tờ thế chấp… còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn nhưng điều kiện để thế chấp, chứng minh khả năng vay và hoàn trả vốn lại không có. Bởi nếu cứ cho vay thì đây là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của ngành ngân hàng, nên ngành cần phải tính toán kỹ khả năng cho vay,” đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: Với các trường hợp không có tài sản thế chấp, ngành ngân hàng cũng cần rà soát lại thực tế dự án sản xuất của người dân.
Đồng thời, các ngân hàng cũng cần đánh giá dự án có điều kiện phát triển cần phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ để tạo cơ hội cho người dân vay vốn.
Đối với doanh nghiệp, ngân hàng cũng cần “nới lỏng,” xem xét khả năng, tạo điều kiện cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có điều kiện phát triển.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công sẽ là “giảm sóc” cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn cũng như tạo sức bật cho các lĩnh vực khác tái cơ cấu thành công.
Nhà nước tập trung cho tín dụng nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển tam nông đã nhiều và đủ nhưng người dân chưa được thụ hưởng do cách thức tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Hiện ngành ngân hàng có nhiều chính sách vốn ưu đãi để người dân tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, chính sách đúng nhưng để tới người dân, thủ tục vay, thế chấp còn vướng mắc. Đối với người dân không có thế chấp nhưng có đề án kinh doanh triển vọng cần xem xét, cân nhắc tạo nguồn vốn phát triển sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói: “Thực tế, địa phương khó can thiệp bằng giải pháp hành chính khi xảy ra vỡ nợ nhưng tôi tin trong tổ chức thực hiện, cán bộ ngân hàng không quá khó khăn để nhận ra đề án nào là đề án chân chính, đề án nào là đề án thực sự cần vốn cũng như đề án nào là đề án có tính khả thi. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong thẩm định cũng như cách thức tổ chức triển khai nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân hiệu quả."
"Yếu tố con người và sự phối hợp giữa cán bộ ngân hàng với địa phương cũng rất quan trọng. Đặc biệt, cán bộ ngân hàng, địa phương không nên nhìn nhận việc thẩm định dự án như sự 'ban ơn,' 'giúp đỡ' mà coi đây là công việc, nhiệm vụ đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp,” đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, lại cho rằng: Cùng với việc tổ chức, tín dụng cho nông dân nên cải tiến tích cực hơn theo hướng giảm lãi suất, mức chi và thời gian vì đại đa phần đầu tư cho nông nghiệp ở mức độ ngắn hạn theo mùa vụ. Do vậy, thời gian xoay chuyển dòng vốn cũng như điều kiện cho người nông dân có đủ sức khai thác đem lại hiệu quả đầu tư lâu dài rất hạn chế.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho biết: Nhà nước dành nguồn lực rất lớn về tín dụng cho nông nghiệp, tạo các chính sách cho hộ nghèo vay vốn sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc vay tín dụng cho phát triển nông nghiệp cần tập trung cho hộ gia đình nhỏ lẻ, đời sống khó khăn để tránh việc tín dụng đen phát triển.
Đối với sản xuất hộ gia đình, lượng vốn vay không nhiều nhưng đầu tư cho nông nghiệp rủi ro cao, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận ít nên cần tạo cơ hội cho hộ gia đình nhỏ lẻ.
Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh
Lâm Đồng là một trong những địa phương vùng Tây Nguyên có thế mạnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước đã đồng ý cấp cho tỉnh này gói tín dụng 2.800 tỷ đồng để tái canh cây chè và cây càphê.
“Tôi cho rằng, với chủ trương đúng đắn này cũng như sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ tạo ra các nguồn vốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm giống để thay thế, tạo nguồn bổ sung, cải thiện năng suất, chất lượng trong phát triển nông nghệp, đặc biệt là cây chè và cây càphê, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ có “bứt phá” trong tăng trưởng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu,” Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng, nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trước khi có gói tín dụng của nhà nước thì mặt bằng lãi suất ở mức chung là hợp lý, nhưng khi mặt bằng lãi suất xuống thấp như hiện nay mà mức lãi suất cho vay vẫn “giữ” nguyên hoặc chỉ giảm chút ít.
Đại biểu đề nghị ngành ngân hàng hạ lãi suất để người dân tiếp cận với nguồn vốn ở mức lãi suất thấp hơn.
Đặc biệt, về lâu dài, Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho người đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tái canh cây chè và cây càphê để ổn định lâu dài.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình, càphê Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường và tiếp tục chiếm lĩnh thị trường do yêu cầu ngày càng cao. Việc tái canh cho cây càphê là chủ trương đúng nhưng vấn đề Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành, các tỉnh phải rà soát lại xem mức độ đầu tư, mở rộng đến đâu là phù hợp.
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng phải căn ke các lĩnh vực, khu vực có thể phát triển các loại cây, con có thế mạnh, chất lượng tốt trong cơ cấu chung của cả nước. Tránh việc khi cần thì ồ ạt phát triển, đến khi nguồn cung xuống thấp lại phá bỏ.
Ngoài ra, để tăng trưởng ngành nông nghiệp cần đầu tư cho khoa học công nghệ, phát triển khoa học công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nhưng phải tính toán để đầu tư không dàn trải, lãng phí và đầu tư phải mang lại hiệu quả, tránh thất thoát vốn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, nói: "Tôi nghĩ rằng nên phát triển tập trung cho các ngành có thế mạnh, nhưng phát triển các lĩnh vực thế mạnh cần phải đi kèm với chính sách vĩ mô tránh trường hợp được mùa rớt giá hay trong điều hành vĩ mô dài hạn, trung hạn nên tập trung cho lĩnh vực thế mạnh nào, nguồn vốn bao nhiêu, tránh sự phối kết hợp của các ngành liên quan lỏng lẻo."
"Đặc biệt, là đơn vị quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có 'cái nhìn' để cùng các địa phương, đơn vị lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tết về các loại cây, con, giống và chỉ đạo địa phương quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch," đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho biết thêm.
Chia sẻ về việc tập trung cho các lĩnh vực thế mạnh, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng thế mạnh chỉ mang tính tương đối bởi các cây, con có thể nay là thế mạnh nhưng mai lại không do lợi thế cạnh tranh, do giá cả và do nhu cầu thị trường.
Vì vậy, đối với sản xuất nông nghiệp cần đầu tư trên nhiều thế mạnh, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho đời sống đều cần được quan tâm.
Tuy nhiên, việc tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh phải đi đôi với quản lý, điều hành trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đầu ra và giá cả sản xuất nông nghiệp.
Việc đầu tư phát triển lĩnh vực thế mạnh nhiều người được hưởng lợi nên dù ở quy mô lớn hay ở sản xuất nhỏ lẻ cần có chính sách, định hướng để người nông dân được hưởng lợi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, tránh tình trạng hưởng lợi chỉ tập trung vào các khâu trung gian, dịch vụ./.