Ngành sản xuất "ấm lên"

Vốn đầu tư xã hội trong 6 tháng đầu năm tăng 5,9%

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội sáu tháng 2013 theo giá hiện hành ước đạt 448 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% cùng kỳ và bằng 29,6% GDP.


Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2013 theo giá hiện hành ước đạt 448 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,6% GDP.

Đây là con số mà Tổng cục Thống kê (GSO) vừa đưa ra tại buổi họp báo “Công bố chính sách phổ biến thông tin thống kê nhà nước, số liệu tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 và số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013” ngày 27/6, tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thống kê, nguồn vốn đầu tư đóng góp từ các khu vực kinh tế là khá tương đồng. Cụ thể, vốn tại khu vực nhà nước đạt 166 nghìn tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước là 168 nghìn tỷ đồng và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 114 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước sáu tháng ước đạt 88 nghìn tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012 (quý II/2013 cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với quý I/2013, trong khi quý II/2012 chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý I/2012).

Đáng chú ý, trong 6 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những chuyển biến khá nhanh và đóng góp ở mức cao nhất, với 4,1 điểm phần trăm trong mức tăng chỉ số toàn ngành. Chỉ số tiêu thụ của cả ngành trong 5 tháng cũng đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm tháng 1/6/2013 chỉ tăng 9,7%.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng vụ Thống kê Công nghiệp nhấn mạnh, 6 tháng vừa qua mức hàng tồn kho trong ngành chế biến, chế tạo liên tục giảm và lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta giảm chỉ số này xuống dưới 2 con số.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận xu hướng hàng tồn kho giảm đến từ hai phía, thứ nhất là hoạt động của ngành sản xuất đang dần "ấm lên" và xuất khẩu cũng gia tăng. Song bên cạnh đó, do tổng cầu nền kinh tế vẫn yếu nên nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn giảm giá để giải phóng hàng tồn, thậm chí là chấp nhận  lỗ… để giải phóng vốn, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và ngành hàng.

Ông Thúy phân tích thêm, mức tăng trưởng công nghiệp mặc dù đạt mức thấp so với nhiều năm qua, tuy nhiên xét trên bình diện nền kinh tế hiện nay thì đây lại là mức tăng khá tốt so với tình hình khó khăn chung mang tính toàn cầu. Hơn nữa, xu hướng tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý II tăng mạnh hơn quý I, điều này tạo kỳ vọng trong sáu tháng cuối năm, song không lớn do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.

Một điểm sáng từ báo cáo thống kê lần này cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng, trong đó có khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 20%. Trong đó, lĩnh vực chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 259 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,3 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

“Sau thời gian dài suy giảm, ngành công nghiệp chế tạo đang có chiều hướng hồi phục và đạt mức tăng trưởng khá tốt mặc dù trước đó bị sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực,” ông Thúy nhấn mạnh./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục