Hà Nội vào thu, những cơn gió se se lạnh thoảng trong mùi hoa sữa đã làm tâm hồn con người nhẹ nhõm, thanh bình trong cuộc sống thường ngày vốn tấp nập. Ấy vậy, đêm qua người dân có mặt tại thủ đô đã có một đêm trắng vì một hình tượng anh hùng dân tộc đã trở về với giấc ngủ thiên thu, để lại trong lòng những người Việt một nỗi đau khôn nguôi. Mỏi mắt chờ viếng Từ tờ mờ sáng, những đôi chân nhẹ bước, hướng về phía nơi đang đặt linh cữu vị tướng tài danh của dân tộc. Ai cũng mong được vào viếng Đại tướng, cúi mình lần cuối trước khi đưa Người trở về với đất mẹ Quảng Bình. Cận kề đến giờ tổ chức lễ viếng, dòng người đổ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) đã nối dài tới đầu phố Trần Hưng Đạo. Hòa mình trong dòng người ấy, bác Nguyễn Công Thái, ở Thành phố Vinh (Nghệ An), một cựu chiến binh Cục Hậu cần đang đứng lặng thinh, đôi mắt hoẵm sâu, ngóng về phía nhà tang lễ với tấm lòng thành kính. Giọng nói đượm buồn, bác Thái kể, 22 giờ đêm qua, bác cùng với người con trai bắt xe ra Hà Nội. Rạng sáng nay, 2 bố con đến thẳng nhà tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả đêm nay, bác trằn trọc không ngủ chỉ với một tâm nguyện muốn viếng Đại tướng trong những thời khắc cuối cùng trước khi linh cữu của Người được đưa về quê hương Quảng Bình yêu dấu. “Hai bố con không về nhà người quen ngủ mà tranh thủ ngồi lại vỉa hè hàn huyên chuyện chiến trường xưa. Tại đây, những ký ức một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc như vẫn vừa mới xảy ra thôi,” bác Thái chia sẻ. Cầm tấm di ảnh Đại tướng, đôi mắt ngấn lệ, bác Thái bảo, trong chiến dịch chống Pháp, Mỹ năm xưa, những chiến sĩ trong các đơn vị đều khâm phục trước những chỉ đạo và quyết sách sáng suốt của Đại tướng. “Đại tướng đã giành gần như cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những người lính già như chúng tôi thật may mắn vì đã được đứng dưới hàng ngũ của vị tướng nhân dân, bậc thiên tài quân sự,” bác Thái nghẹn ngào nói. Ngay sau khi hoàn thành di nguyện viếng trong hôm nay, bác Thái sẽ hành hương về quê và đợi một thời gian tới sẽ cố vào tận miền cát trắng Quảng Bình, thắp nén nhang trước mộ Đại tướng. Có mặt ở khu vực nhà tang lễ từ 6 giờ sáng, cô Lê Dân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đứng lặng lẽ ở một góc phía bên ngoài cổng, đôi mắt đỏ hoe. “ Tôi không thể đợi đến giờ vào viếng Đại tướng bởi tới gần trưa, tôi phải lên đường đi công tác,” cô chia sẻ. Ôm bó hoa cúc vàng trên tay, cô bảo, tuy không thể vào dâng hương trực tiếp nhưng tôi sẽ cố gắng gửi một bạn sinh viên tình nguyện nào đó, nhờ bạn ấy mang tới khu vực tập trung hoa viếng của đồng bào. “Đó là tấm lòng của một con dân đất Việt đối với vị danh tướng huyền thoại của dân tộc,” cô nghẹn ngào nói. Nói rồi, cô đưa tay tay lau dòng nước mắt. Cô tâm sự, cả đêm qua, hầu như cô không ngủ. “Nghe tin Đại tướng qua đời, tôi cảm thấy thực sự đau xót như mất đi người thân trong gia đình. Những ngày gần đây, xem các chương trình tivi, đọc các bài báo về Đại tướng, tôi không cầm được nước mắt. Hy vọng, trong tương lai không xa, sẽ có một ngày tôi được vào viếng nơi yên nghỉ của Người ở quê hương Quảng Bình,” cô tâm sự.
Nữ cựu binh với kỷ niệm về Đại tướng - Ảnh: PV/Vietnam+
Chung một nỗi đau Trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm nay, có nhiều người từ miền Nam đáp chuyến bay từ sáng sớm, có người vội vã xuống chuyến tàu đêm… Vừa đáp máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, bà Bích Ngân vội đến đường Lê Thánh Tông để đợi đến lúc được vào viếng Đại tướng. Một tay cầm di ảnh, một tay cầm hoa, bà còng lưng chống gậy đi giữa lòng đường. Bà Ngân được các bạn sinh viên tình nguyện ưu tiên dẫn lên trước. Bà chia sẻ, vốn là người Hà Nội, từng có nhiều kỷ niệm thời chiến tranh khi cha bà là một người lính đã hi sinh trong chiến trường Miền Nam. Dù không được tiếp xúc nhưng bà vẫn biết và nghe nhiều đến Đại tướng từ thời còn nhỏ, nên nghe tin Đại tướng mất, bà phải ra bằng được để viếng thăm và đến Quảng Bình để đưa Đại tướng về với quê hương, đất mẹ. “Đại tướng là anh hùng của dân tộc. Từ khi Người mất, cái cảm giác ngày mất cha lặp lại đau lắm,” bà Ngân thật thà nói. Giữa dòng người đổ về đang ngày càng đông, những chiến sỹ bộ đội, cảnh sát giao thông và thanh niên tình nguyện đang miệt mài làm việc, chỉ dẫn người dân xếp hàng, không làm ảnh hưởng tới không khí chung của Lễ Quốc tang. Thế nhưng, không cần ai phải nhắc ai, mọi người đều trật tự xếp hàng, những bạn thanh niên nhường chỗ cho các cụ già. Trong giờ phút linh thiêng này, tất cả đều có chung một nỗi đau và cả dân tộc sẽ cùng nắm tay nhau để bước tiếp, không phụ tấm lòng của Người đã khuất,” một cựu chiến binh nghẹn ngào. Dòng người mỗi lúc một nối dài; trong đó có dáng hình run run của những cụ già tóc đã bạc trắng, có vẻ kiên cường của những cựu chiến binh trung trung tuổi và có cả dáng vẻ rắn rỏi của những thanh niên trai tráng…lặng lẽ đứng trong trời tờ mờ sáng/.
Nhóm PV (Vietnam+)