WB và IMF cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

WB và IMF cam kết làm hết sức có thể để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.
Ngày 24/9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Thông cáo của WB và IMF, được đưa ra sau các cuộc họp chung diễn ra ngày 23-25/9 tại thủ đô Washington (Mỹ), nêu rõ sự hỗn loạn hiện nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và sự căng thẳng tài chính lan rộng đang gây rủi ro cho khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Giá cả hàng hóa biến động mạnh và sức ép về an ninh lương thực đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho tất cả các nước, đặc biệt đối với các nước nghèo.

Ngoài ra, WB và IMF cũng tái cam kết sẽ góp phần tạo nhiều công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy các khu vực tư nhân, vì đây chính là yếu tố then chốt của tăng trưởng.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực thi những biện pháp phù hợp để ứng phó với những nguy hiểm mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.

Theo bà Lagarde, "có một sự thừa nhận chung rõ ràng" về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, nhất là tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), và thế giới mới chỉ "làm được một nửa công việc" cần thiết để vượt qua khủng hoảng.

Trong khi đó, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Thế giới (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của IMF, cho rằng kinh tế thế giới sẽ phải đương đầu với bốn thách thức chính, bao gồm rủi ro khủng hoảng nợ công, sự mong manh của hệ thống tài chính, tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo nguồn tài chính của IMF sẽ không đủ để đáp ứng các nhu cầu khủng hoảng tiềm tàng.

Theo bà Lagarde, với gần 400 tỷ USD hiện nay, khả năng cho vay của IMF là khá ổn song số tiền này sẽ không thấm vào đâu so với nhu cầu tài chính tiềm tàng của các nước bị tác động cũng như các nước không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

Bà cho rằng sẽ là rất hữu ích nếu sớm thảo luận về các nhu cầu và những phương án dự phòng, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế phản ứng nhanh chóng, linh hoạt trên quy mô lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục