WTO rà soát chính sách thương mại của Trung Quốc

Trong phiên rà soát tổng thể CSTM lần thứ 3, WTO biểu dương những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây.
Ngày 31/5 tại trụ sở của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ở Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra phiên rà soát chính sách thương mại (CSTM) của Trung Quốc.

Phiên rà soát trên là phiên rà soát tổng thể CSTM lần thứ 3 kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 12/2001.

Các thành viên WTO đã biểu dương những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây. Quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện đã có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới (vượt Đức), nhất là đối với các mặt hàng công nghiệp và đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) về nhập khẩu, đồng thời là nơi tiếp nhận FDI hàng đầu thế giới.

Kể từ phiên rà soát lần trước vào tháng 5/2008, Trung Quốc đã có những cải thiện tích cực trong chính sách kinh tế thương mại để đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính từ cuối năm 2008 và cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực viễn thông và du lịch.

Trên cơ sở báo cáo của Ban thư ký WTO về thực trạng chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc, các thành viên WTO đã nêu ra một số nhận xét và quan ngại chung về những khía cạnh trong chính sách kinh tế thương mại của Trung Quốc.

Các vấn đề được đề cập đến trong báo cáo trên gồm chính sách mua sắm công, chính sách thuế; thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp thương mại nhà nước; hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô; các biện pháp hàng rào kỹ thuật (TBT) và vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS); các biện pháp khắc phục thương mại; tăng cường minh bạch hóa và dễ dự đoán trong chính sách thương mại.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên rà soát lần này bao gồm đại diện từ Bộ Công Thương, Văn phòng Ủy ban về Hợp tác kinh tế quốc tế, và Bộ Ngoại giao.

Tại phiên họp, thay mặt Đoàn Việt Nam, Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực nước ta đã phát biểu nêu rõ quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng trưởng trong những năm gần đây mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc 4,9 tỷ USD và nhập khẩu 16,4 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2009, Trung Quốc có 676 dự án đầu tư tại Việt Nam./.

Lê Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục