Xác định rõ mục tiêu, cách thức thu Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

Để khắc phục bất cập của việc triển khai hoạt động, nhiều đại biểu đề nghị các chương trình viễn thông công ích phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, quy định đóng góp và giải ngân thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 22/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Các vấn đề xoay quanh Quỹ dịch vụ viễn thông công ích được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Để khắc phục bất cập của việc triển khai hoạt động, nhiều đại biểu đề nghị các chương trình viễn thông công ích phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, quy định đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng.

Đảm bảo hiệu quả quỹ

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, sau 12 năm thực hiện, Luật Viễn thông hiện hành đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, bộc lộ sự lạc hậu so với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông năm 2009 là hết sức cần thiết.

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng mục tiêu của dịch vụ viễn thông là hỗ trợ cho người nghèo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ một số dự án xây dựng công trình hạ tầng viễn thông… nhằm giảm bớt sự chênh lệch khoảng cách số giữa các vùng miền, đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước.

“Vì vậy, cần thiết tiếp tục duy trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích," đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông năm 2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 là 11 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ giai đoạn 2016-2020 chưa cao do mục tiêu đề ra chương trình chưa phù hợp. Việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ phê duyệt Quyết định 868/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1168/QĐ-TTg với kinh phí dự kiến thực hiện chương trình là 7.300 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, số dư quỹ đến 31/12/2020 là 5.145 tỷ đồng.

Để đảm bảo tính hiệu quả của quỹ, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo luật hóa các nội dung đã được quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

[Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông sửa đổi]

Bên cạnh đó là phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ để phù hợp với mục tiêu của quỹ và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đại biểu đề nghị xem xét, mở rộng phạm vi sử dụng của quỹ đối với hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất thiết bị viễn thông, mô hình, giải pháp, nền tảng số, dịch vụ mới phục vụ các hoạt động viễn thông công ích thay vì chỉ sử dụng vào mục tiêu hỗ trợ hiện nay.

Giải ngân theo nguyên tắc thu và chi tương ứng

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết: “Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập thành hạ tầng của nền kinh tế-xã hội, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số, cần một nguồn kinh phí rất lớn để phát triển, duy trì hạ tầng viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng kinh tế có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương. Trong khi đó, thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi mà đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ của người dân ngày càng cao."

Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ, đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, các chương trình viễn thông công ích phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, có quy định đóng góp và giải ngân theo nguyên tắc thu và chi tương ứng. Chưa có nhiệm vụ chi thì không thu, tránh tồn dư quỹ. Trong thực tế, việc sử dụng quỹ chủ yếu sử dụng hỗ trợ cho mạng viễn thông và các thiết bị đầu cuối.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Hiện số dư của quỹ chưa rõ, quỹ thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào, vì mục tiêu công ích hay giúp người dân, giúp nhà nước?”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng khoản đóng góp của doanh nghiệp vào quỹ là khoản thu có tính chất bắt buộc và mang tính chất tương tự như thuế để bổ sung doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, nhiệm vụ chi của quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích, chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông.

Do đó, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc quản lý quỹ, cơ chế thu chi, đối tượng chi, cách vận hành quỹ một cách rõ ràng, minh bạch; đánh giá kỹ việc duy trì quỹ để thực hiện theo đúng Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

“Nếu tiếp tục duy trì quỹ như trong dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua, có liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể về tăng tính hiệu quả và phải đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước, Luật phí và lệ phí," đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) đề nghị cân nhắc sự tồn tại của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, bởi theo đại biểu, hiệu quả hoạt động của quỹ rất hạn chế.

“Hơn nữa, qua các báo cáo giám sát về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ này không hiệu quả, tổ chức thực hiện trùng lặp với chi ngân sách nhà nước, do đó, đề nghị cân nhắc không duy trì quỹ này," đại biểu Nguyễn Đình Việt nêu.

Xác định rõ mục tiêu, cách thức thu

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây thực tế là quỹ dịch vụ phổ cập. Các quốc gia trên thế giới đều có mục tiêu phổ cập viễn thông, Internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Nếu nhà nước phổ cập bằng ngân sách, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư vào những nơi đông dân, có lãi cao. Như vậy, nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Bởi vậy, đa số quốc gia chọn cách yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm phổ cập," Bộ trưởng cho biết.

Chia sẻ hai cách để nhà mạng thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với cách yêu cầu các nhà mạng phủ sóng rộng, có thể gây khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Cách thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu.

“Doanh nghiệp lớn đóng nhiều, nhỏ đóng ít. Sau đó, Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ. Đa số các quốc gia đều chọn cách thứ hai," Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, về cơ bản, quỹ này giao cho chính nhà mạng thực hiện, tức là nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ, phổ cập 2G xong đến 3G, 4G, 5G... Quỹ đã góp phần tích cực để nước ta có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ.

"Thời gian qua, vận hành của quỹ có bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ. Do đó, thay vì dừng hoạt động cần điều chỉnh quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý sử dụng để quỹ hoạt động tốt hơn. Bởi ngoài việc phủ sóng vùng khó khăn, quỹ dịch vụ phổ cập còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của nhà nước đều dùng quỹ này để hỗ trợ bà con," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đề xuất Quốc hội xem xét duy trì quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ để đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế nhằm khắc phụ tồn tại, khó khăn; đồng thời gửi các đại biểu bổ sung báo cáo về hoạt động của Quỹ trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục