Xây cống đập Soài Rạp có thể giúp chống ngập triều

Xây dựng công trình cống đập Soài Rạp để chống ngập triều, ngập lũ và xâm nhập mặn là đề xuất của giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Đắc.
Xây dựng công trình cống đập Soài Rạp để chống ngập triều, ngập lũ và xâm nhập mặn cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An là đề xuất của giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Đắc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường.

Tiến sỹ Nguyễn Tất Đắc đề xuất như vậy tại Hội thảo khoa học về Giải pháp chống ngập triều, xâm mặn và ngập lũ cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An, do Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/12.

Theo tiến sỹ Nguyễn Tất Đắc, để chống ngập triều, ngập lũ và giảm xâm nhập mặn cho Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn -Vàm Cỏ (Long An) chỉ cần làm một cống đập trên sông Soài Rạp tại vị trí hạ lưu ngã ba Nhà Bè - Soài Rạp - Vàm Cỏ khoảng 3km, cách bờ biển khoảng 20km.

Chiều rộng cống dưới đập tối đa là 1.000m, trong đó có một phần khoảng 100m luôn để thông thương cả năm cho tàu bè qua lại, còn lại được đóng mở một chiều trong mùa lũ (mở khi triều xuống, đóng khi triều lên).

Theo tính toán của ông Đắc, việc xây dựng cống đập Soài Rạp có nhiều ưu điểm như vận hành đơn giản, không ảnh hưởng đến giao thông thủy, đặc biệt công trình sẽ chống ngập, lũ không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho các khu vực lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương và giảm xâm nhập mặn tại các khu vực có nhà máy nước ở trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Mặt khác, do công trình nằm ở khá sâu trong sông, nên không ảnh hưởng tới môi trường khu vực Cần Giờ, cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia thủy lợi đã đánh giá cao ý tưởng đề xuất của giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Đắc.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện, nghiên cứu ý tưởng xây dựng cống đập Soài Rạp cũng cần phải tính toán, xem xét cùng với các dự án, công trình lớn đã được phê duyệt đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu cũng cần phải tính toán đến các yếu tố về địa lý, địa hình, địa chất, nước biển dâng, môi trường khu vực xung quanh.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai thực hiện các dự án nhằm chống ngập cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, điển hình có dự án “Quy hoạch chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh” sẽ bố trí 43 cống lớn nhỏ với tổng chiều rộng hơn 710m, đắp khoảng 180km đê bao; dự án đê biển Gò Công - Vũng Tàu đang được nghiên cứu với quy mô xây dựng tuyến đê chính dài 28 km nối từ Gò Công đến Vũng Tàu và một tuyến đê phụ dài 11km…/.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục