Xây dựng Đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử bậc tiểu học

Ngày 18/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2 và 3.
Xây dựng Đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử bậc tiểu học ảnh 1Sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Minh Tú/TTXVN)

Ngày 18/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2 và 3, nhằm lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên môn để xây dựng Đề án.

Dù được đánh giá cao nhưng xung quanh Đề án còn nhiều điều băn khoăn đối với giáo viên, nhà quản lý giáo dục.

Tại Hội thảo, Nhà xuất bản Giáo dục đã giới thiệu về mô hình, nội dung sách giáo khoa điện tử đang được xây dựng, các thiết bị cần thiết khi triển khai, bản demo về việc dạy và học theo sách giáo khoa điện tử.

Đại diện Intel Việt Nam giới thiệu chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho giáo viên, các yếu tố cần thiết để đảm bảo triển khai Đề án thành công…

Các đại biểu đánh giá cao chủ trương xây dựng một chương trình sách giáo khoa điện tử cho học sinh bậc tiểu học. Đề án sẽ tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, phù hợp với xu hướng chung của xã hội trong việc đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Theo các đại biểu, việc xây dựng Đề án còn nhiều yếu tố cần xem xét kỹ. Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) băn khoăn: Theo mô hình giới thiệu, sách giáo khoa điện tử sẽ được tích hợp trong máy tính bảng.

Đây là một thiết bị công nghệ hiện đại và chi phí cũng khá cao, vậy ai sẽ là người trang bị cho học sinh? Từ nhà trường hoặc ngân sách thì rất khó có đủ nguồn, trong khi không phải phụ huynh nào cũng có thể sắm trang thiết bị đắt tiền này cho con em mình.

Ngoài ra, bộ sách giáo khoa điện tử cần phải được xây dựng chặt chẽ, hiện đại nhưng vẫn phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cho rằng, nếu học sinh chỉ học sách giáo khoa điện tử sẽ có nhiều mặt hạn chế, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe các em; thoát khỏi cách dạy và học truyền thống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức, tâm lý, cảm xúc của học sinh.

Đặc biệt, máy tính bảng có giá trị cao, khi các em mang theo người từ nhà đến trường và ngược lại sẽ không an toàn. Hơn nữa, chương trình này được xây dựng dựa trên dịch vụ mạng Internet chất lượng tốt nên sẽ có một khoản tốn kém hàng tháng cho phụ huynh.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, việc xây dựng một Đề án sách giáo khoa điện tử là cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo. Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến là nơi đầu tiên thí điểm nên phải xem xét, đánh giá kỹ tác động của Đề án.

Ngành giáo dục thành phố phải đảm bảo được các yếu tố khi xây dựng đề án như tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, đào tạo một đội ngũ giáo viên, nhà quản lý am hiểu, thành thạo về chuyên môn; nội dung sách giáo khoa điện tử phải đảm bảo đúng quy chuẩn, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phải có sự đồng thuận cao trong xã hội.

Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo ngay trong đầu năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo phải lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về vấn đề này để có cơ sở xây dựng đề án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục