Xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật bài chòi trình UNESCO

Hội thảo “Nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam” là dịp để các nhà nghiên cứu trình bày nội dung xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật bài chòi trình UNESCO ảnh 1Hát Bài chòi tại Đình làng Túy Loan. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 29/10, tại thành phố Tam Kỳ, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam” để đánh giá về tình hình, đặc điểm, phong cách bài chòi Quảng Nam so với các tỉnh miền Trung có di sản văn hóa Bài chòi.

Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật trình bày về cách thức, nội dung xây dựng hồ sơ nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam trình UNESCO công nhận loại hình nghệ thuật này là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đông đảo các nhạc sỹ, các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài tỉnh tham dự hội thảo.

Bài chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư Quảng Nam nói riêng và Nam Trung bộ nói chung.

Bài chòi mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của những cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ.

Tại Quảng Nam, từ bốn làn điệu chính gồm Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản và Hò Quảng, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo, hình thành nên một thể loại nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam mang một sắc thái riêng, rất độc đáo với những lời hát mang đậm tính phương ngữ Quảng Nam so với các vùng miền khác.

Theo tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc, trong số các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động, bởi trong đó có sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác. Đặc biệt, khả năng trình diễn của anh Hiệu (người chủ trì trong hội chơi bài chòi) đã để lại trong lòng người xem sự hồn nhiên, dí dỏm, thông minh, tạo được sự lôi cuốn và hấp dẫn. Đó chính là điểm mạnh, điểm đặc sắc mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có.

Với tính đa dạng phong phú của nghệ thuật bài chòi, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về các vấn đề như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của nghệ thuật bài chòi dân gian; Âm nhạc trong nghệ thuật bài chòi dân gian; hiện trạng của di sản bài chòi ở các địa phương và đề xuất các chương trình hành động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản bài chòi trong thời gian tới.

Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc, từ năm 2012, Chính phủ và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đưa bài chòi vào danh sách lập hồ sơ đề cử quốc gia trong giai đoạn 2012-2016 trình UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 8/9 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch và giao Viện Âm nhạc chủ trì, phối hợp với các tỉnh thành có di sản Bài chòi tiến hành xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” để trình UNESCO đề nghị tổ chức này ghi danh bài chòi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục