Xây dựng kém chất lượng, quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 25/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Với 87,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 Chương 77 Điều, quy định cụ thể về việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) các đại biểu cho rằng sau hơn 9 năm thực hiện, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Việc ban hành Luật phải góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.

Luật tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, không làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí của các dự án đầu tư xây dựng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, Luật Xây dựng có liên quan đến nhiều luật khác nên cần được rà soát, đánh giá kỹ phạm vi, nội dung sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, xác định được vai trò, chức năng, nội dung điều chỉnh của Luật.

Các chủ thể có liên quan trong Luật Xây dựng (sửa đổi) nên giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng, chức năng quản lý thông qua hoạt động kiểm tra giám sát... Các nội dung liên quan đến vấn đề khác nên điều chỉnh sửa đổi, bổ sung vào các luật chuyên ngành như Luật Nhà ở, Luật Đầu tư.

Dự thảo Luật đã đưa nhiều nội dung các Nghị định đã triển khai rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn, cần rà soát.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), dự án Luật đã giải quyết cơ bản những mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác.

Đặc biệt, việc sửa đổi lần này đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phần nào đã nâng cao được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí theo nguyên tắc tiền kiểm; tập trung kiểm soát kỹ vấn đề quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn, bảo vệ môi trường trong giám sát khả thi và các điều kiện quản lý giám sát.

Luật đã đạt được sự thống nhất trong hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đánh giá cao việc dự thảo Luật quy định về tăng cường công tác tiền kiểm ngay từ bước thẩm định, thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình có nguy cơ cao khi có sự cố và công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Cơ bản thống nhất với các nội dung của Luật sửa đổi, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo và nhiều đại biểu tán thành với phạm vi sửa đổi của Luật, thống nhất với việc thay thế cụm từ “hoạt động đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “hoạt động xây dựng” tại Luật Xây dựng hiện hành với quan điểm đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng... với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Cho rằng vai trò của công trình xây dựng là cốt lõi trong tính toán hiệu quả đầu tư của dự án, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) nhận định dự thảo Luật có điều chỉnh yếu tố quản lý đầu tư cụ thể trong xây dựng để bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát là một đột phá mới.

Đại biểu cho rằng pháp luật hiện hành về xây dựng chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định, góp ý nội dung thiết kế cơ sở, do vậy việc ban soạn thảo đưa vào dự thảo nội dung giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước phải có trách nhiệm thẩm tra thiết kế cơ sở là phù hợp.

Cơ quan chuyên môn của Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý về quy hoạch kiến trúc, phương án tuyến, tác động của công trình đến môi trường…

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Bình, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc kiểm soát công tác thực hiện đầu tư xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì công trình chưa được cụ thể hóa.

Cùng với việc tinh giản bộ máy Nhà nước, giảm bớt thanh tra xây dựng ở cấp huyện, việc quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng đang có khoảng trống.

Băn khoăn về năng lực thẩm tra của cơ quan chuyên môn nhà nước, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết hoặc có điều khoản giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương ban hành quy định thống nhất việc tổ chức thẩm tra cho phù hợp.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Luật cần quy định rõ loại và cấp công trình xây dựng để quản lý nhà nước cho hiệu quả bởi hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm rất nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều hình thức đầu tư.

Để hoàn thiện Luật, đại biểu đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc sư để tạo sự đồng bộ trong quản lý.

Nhìn nhận việc đầu tư bất động sản và kinh doanh nhà ở thời gian qua đang gặp nhiều hậu quả của kinh tế thị trường, đồng tình với chính sách xã hội hóa nhà ở mà Chính phủ đưa ra, đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân làm đóng băng bất động sản hiện nay là do quản lý chính sách nhà ở còn chưa tốt.

Đại biểu cũng đề nghị cần thống nhất phân cấp quản lý nhà nước đối với quy hoạch vùng, đô thị, quy hoạch chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn và bổ sung quy định về quy hoạch các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế công trình, bởi trên thực tế, việc quản lý các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế còn nhiều bất cập.

Đại biểu đề nghị Luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước giữa các đơn vị, bộ, ngành đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng.

Đặt vấn đề quy hoạch kém chất lượng, trách nhiệm thuộc về ai? Đại biểu Lê Trọng Sang (thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ dự thảo Luật không có quy định nào về tiếp thu ý kiến cộng đồng, thậm chí người dân có ý kiến khác đối với đồ án quy hoạch, cũng không nhận được trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan có trách nhiệm.

Chính điều này đã làm cho đồ án sau khi được phê duyệt thiếu tính khả thi, dẫn đến quy hoạch treo gây lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung những điều khoản cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức liên quan, quy định rõ vai trò của các tổ chức quản lý độc lập, cơ quan độc lập trong thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính khách quan; ban hành quy chế giám sát quy hoạch xây dựng để bảo đảm quy hoạch xây dựng có tính khả thi, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời những quy hoạch xây dựng không phù hợp, kém chất lượng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục