Xây dựng khung pháp lý phát triển năng lượng gió

Xây dựng khung pháp lý hỗ trợ phát triển năng lượng gió tại Việt Nam là chủ đề của hội thảo do bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức GTZ (Đức) tổ chức ngày 19/2, tại Hà Nội.

Xây dựng khung pháp lý hỗ trợ phát triển năng lượng gió tại Việt Nam là chủ đề của hội thảo do bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức GTZ (Đức) tổ chức ngày 19/2, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bộ Công Thương cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã được Bộ trình Chính phủ xem xét và phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện từ  năng lượng tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện.

Theo điều tra sơ bộ, 8,6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là những vùng có tiềm năng rất cao để phát triển năng lượng gió. Dự báo đến 2020, tổng tiềm năng nguồn năng lượng gió vào khoảng trên 513 MW. Tiềm năng năng lượng gió ở các tỉnh phía Nam là khá lớn, tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng công suất vào khoảng 800 MW. Riêng 3 địa điểm là Phước Hải, Phước Nam và Phước Hữu thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận có thể xây dựng thành các trung tâm phát điện gió với công suất khoảng 235 MW.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định phát triển điện gió ở Việt Nam mới chỉ đạt được sản lượng khoảng 150-200W. Hiện tại, một số nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đang xúc tiến các dự án điện gió tại Bình Thuận và Ninh Thuận với công suất từ 6-150MW. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn năng lượng tái tạo này.

Tại hội thảo, đại diện Công ty Altus AG cũng cho rằng lợi thế phát triển điện gió là nguồn nhiên liệu sạch, sẵn có, nhiều và không cạn kiệt; đảm bảo nguồn cung, tránh phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt cung cấp điện năng lớn tương đương với các nguồn năng lượng truyền thống....

Thực hiện dự án Xây dựng khung chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển điện gió nối lưới tại Việt Nam do Chính phủ Đức hỗ trợ thông qua Tổ chức GTZ, bà Angielika Wasielke, đại diện tổ chức này cho biết dự án hiện đã tổ chức được các khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ từ Đức cho Việt Nam; hỗ trợ soạn thảo hợp đồng mua bán điện, nối lưới, thiết bị, tài chính, giảm các chi phí tránh được....

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng gió, tổ chức các khoá đào tạo, tổ chức hội chợ năng lượng tái tạo tại Hà Nội để giới thiệu tiềm năng năng lượng gió cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Hiện Bộ Công Thương đã đề xuất các chính sách khuyến khích về tài chính để phát triển năng lượng tái tạo , trong đó có điện gió./.


(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin cùng chuyên mục