Xây dựng Kiểm toán Nhà nước chuyên nghiệp và hiện đại

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 hướng đến mục tiêu xây dựng Kiểm toán Nhà nước chuyên nghiệp và hiện đại.
Xây dựng Kiểm toán Nhà nước chuyên nghiệp và hiện đại ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Sáng 27/12, tại Bình Dương, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quy chế phối hợp công tác với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ba tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ba tỉnh này.

Biên bản ký kết giữa Kiểm toán Nhà nước và từng tỉnh nói trên có phạm vi phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; trong tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định pháp luật; giám sát đoàn kiểm toán và kiểm toán viên Nhà nước.

Biên bản có sáu nội dung phối hợp gồm phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; trong thực hiện kiểm toán gồm loại hình kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động; trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; trong phối hợp hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và kiểm toán viên Nhà nước; trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Quy chế phối hợp còn quy định 15 nội dung về trách nhiệm phối hợp của Kiểm toán Nhà nước; 11 nội dung thuộc trách nhiệm phối hợp của Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh và 11 nội dung trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân tỉnh.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết ngành đang thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 hướng đến mục tiêu xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành Cơ quan kiểm toán tài chính công có trách nhiệm, có uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán, từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực năm 2006 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã ký Quy chế phối hợp công tác với 13 cơ quan bộ, ngành Trung ương và 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng chỉ ký với Kiểm toán Nhà nước khu vực.

Riêng hôm nay, Kiểm toán Nhà nước ký trực tiếp với Thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ba tỉnh, sẽ góp phần giúp các cơ quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Từ năm 2014, ngoài các nội dung kiểm toán thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề trên tinh thần nâng cao chất lượng kiểm toán đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại các địa phương.

Một số lĩnh vực kiểm toán trọng điểm là quản lý thu, chi ngân sách, trong đó có các dự án đầu tư công của các địa phương; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu; việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ngoài việc bản thân ngành Kiểm toán Nhà nước phải nỗ lực nhiều hơn nữa, thì Kiểm toán Nhà nước cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị được kiểm toán, nhất là các địa phương để kết quả kiểm toán đảm bảo trung thực, khách quan đối với các vấn đề các địa phương, đơn vị quan tâm và cần Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin.

Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trao 21 Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho cán bộ lãnh đạo của ba tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục