Tạo đột phá thúc đẩy trong qua trình Chuyển đổi Số Quốc gia

Xây dựng và khai thác hiệu quả Dữ liệu Số trong Chuyển đổi Số Quốc gia

Việc xây dựng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp là cơ sở để thúc đẩy Chuyển đổi số Quốc gia ở Việt Nam.
Xây dựng và khai thác hiệu quả Dữ liệu Số trong Chuyển đổi Số Quốc gia ảnh 1Giải pháp điểm danh điện tử của Trường THCS Phan Chu Trinh, quận Ba Đình giúp giáo viên nắm bắt được tình trạng điểm danh của lớp chủ nhiệm vào đầu buổi học ngay cả khi không đến trường và giảm bớt khối lượng công việc cho giáo viên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Như đã đề cập ở bài 1, dữ liệu là nguồn lực quan trọng trong quá trình Chuyển đổi Số. Do đó việc xây dựng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp là cơ sở để thúc đẩy Chuyển đổi Số Việt Nam.

Bài 2:  Tạo đột phá thúc đẩy trong qua trình Chuyển đổi Số Quốc gia

Dữ liệu mở hay chia sẻ dữ liệu là một trong những nội dung mà chính phủ, doanh nghiệp và người dân quan tâm bởi ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác dữ liệu mở sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo đột phá về kinh tế và xã hội.

Tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến

Với việc tạo lập, kết nối liên thông dữ liệu, thời gian qua, Dịch vụ Công Trực tuyến của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển. Dịch vụ Công Trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ Số của Liên hợp quốc.

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam muốn nâng cao thứ hạng về phát triển Chính phủ Điện tử hướng tới Chính phủ Số thì cần phải có kết quả đột phá về chất lượng Dịch vụ Công Trực tuyến và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với Dịch vụ Công Trực tuyến.

Xây dựng và khai thác hiệu quả Dữ liệu Số trong Chuyển đổi Số Quốc gia ảnh 2Người dân được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an. (Ảnh: TTXVN phát)

Nam Định là một trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 4 (nay là dịch vụ công toàn trình) vào tháng 7/2020.

Đến nay, 1.186 trong tổng số 1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Trung tâm hành chính của tỉnh Nam Định và Bộ phận một cửa các cấp đã phát huy hiệu quả việc giải quyết nhanh chóng, thuận tiện các thủ tục của người dân.

[Chuyển đổi Số: Lãnh đạo phải hiểu rõ, hiểu sâu để không phong trào]

Hiện nay, với sự phát triển của Dịch vụ Công Trực tuyến, người dân có thể dễ dàng, thuận tuận tiếp cận sử dụng dịch vụ ngay tại nhà nên số lượng người dân trực tiếp làm thủ tại Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp đã giảm dần.

Trước đây Trung tâm Hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp bình quân phục vụ từ 400-500 người/ngày thì nay giảm xuống còn 150- 200 người. Thời gian tới, các Trung tâm Hành chính Công và Bộ phận một cửa các cấp của tỉnh Nam Định sẽ tối ưu hóa các công đoạn trong xử lý thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng Dịch vụ Công Trực tuyến.

Ông Nguyễn Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Nam Định, cho biết hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm thủ tục hành chính công tỉnh và bộ phận 1 cửa các cấp đã được hướng dẫn hỗ trợ tài khoản, cách thức nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến và nhận kết quả điện tử.

Người dân, doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia Dịch vụ Công Trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Nam Định đạt 85%, tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí đạt trên 85%.

Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng là một điểm sáng về triển khai thực hiện Dịch vụ Công Trực tuyến. Đây là huyện có tỷ lệ Dịch vụ Công Trực tuyến cao nhất thành phố Hải Phòng lên tới trên 90%, thanh toán trực tuyến tháng 7/2023 đạt trên 84%.

Từ tháng 8/2022, Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ giấy của công dân để chuyển sang hình thức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục dễ thực hiện, được người dân sử dụng phổ biến như cấp bản sao trích lục hộ tịch, chứng thực bản sao từ bản chính, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, chuyển trường với học sinh tiểu học, trung học cơ sở…

Chị Đỗ Thị Thu Hiền, Chuyên viên Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, cho biết để người dân hiểu, sử dụng các dịch vụ công, các cán bộ tại Bộ phận một cửa của huyện đã tích cực, chủ động hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của huyện, trên các nền tảng xã hội facebook, Zalo và khi công dân trực tiếp đến bộ phận một cửa.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, chia sẻ xác định Chính quyền Số quan trọng nhất là cung cấp dịch vụ cho người dân bởi khi người dân dùng dịch vụ công trực truyến càng nhiều thì chính quyền cơ sở tự khắc sẽ đổi mới và tốt lên.

Khi người dân dùng thường xuyên sẽ tăng cường năng lực số, góp phần xây dựng Xã hội Số. Do đó, thành phố Hải Phòng đã tập trung vào việc khuyến kích người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực truyến.

Không chỉ tại Nam Định, Hải Phòng mà hiện nay, việc triển khai Dịch vụ Công Trực tuyến đã làm thay đổi cách làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn nhiều tỉnh thành phố. Quan trọng hơn, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi khi giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ Công Trực tuyến tại tất cả các địa phương trong cả nước.

Những "cánh tay nối dài"

Tại tỉnh Tây Ninh, người dân chỉ cần truy cập ứng dụng Zalo, rồi chọn mini app “Tây Ninh Smart” là có thể sử dụng các tiện ích của ứng dụng này.

Tây Ninh Smart là ứng dụng dùng chung của tỉnh Tây Ninh, được coi là "cánh tay nối dài" giữa chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và khai thác hiệu quả Dữ liệu Số trong Chuyển đổi Số Quốc gia ảnh 3

Anh Cao Minh Hoàng Quân, Phường 2, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh chia sẻ mọi người có thể nộp hồ sơ trực tuyến, gửi phản ánh trực tiếp về khu dân cư xung quanh nơi mình sống ví dụ như sụt lún vỉa hè, dây điện bị đứt... tới cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan sẽ cử người xuống khắc phục.

Nhờ tiện dụng và mang đến nhiều hiệu quả thiết thực qua một ứng dụng phổ biến trên điện thoại, sau 2 tháng triển khai, hơn 81.000 người đã dùng ứng dụng Tây Ninh Smart, đáng nói là tỷ lệ người trên 45 tuổi dùng được ứng dụng này chiếm 26% tổng số người sử dụng. Số lượt truy cập sử dụng trung bình hàng tuần hiện đạt 40.000 lượt.

Ứng dụng này đã góp phần nâng tổng số hồ sơ nộp trực tuyến của Tây Ninh lên đến hơn 60.000 lượt, tăng gần 30% so với trước đây.

Để đưa nền tảng công nghệ đến với người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sáng kiến triển khai “Tổ Công nghệ Số Cộng đồng.” Hơn 1 năm qua, theo hướng dẫn của Bộ thông tin và Truyền thông, các địa phương đã tích cực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ Công nghệ Số Cộng đồng, dần hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác Chuyển đổi Số trên toàn quốc.

Với phương châm "Đi từng ngõ gõ từng nhà,” nhiệm vụ của Tổ Công nghệ Số Cộng đồng là Hướng dẫn từng người sử dụng Dịch vụ Công Trực tuyến; Tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; Sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để bà con khi lên mạng không bị lừa đảo; Sử dụng nền tảng do các địa phương lựa chọn như đặt vé xe, đọc sách trực tuyến…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, mô hình Tổ Công nghệ Số Cộng đồng không chỉ giúp ích cho người dân trong việc tiếp cận với môi trường số mà còn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, những đối tượng đang chuyển dần sang nền kinh tế số.

Theo tính toán, để đào tạo được một người dùng số thì chi phí vào khoảng 5 USD, nhưng khi có sự tham gia của Tổ Công nghệ Số Cộng đồng thì chi phí chỉ khoảng 2 USD.

Các Tổ Công nghệ Số Cộng đồng sẽ tạo ra các Công dân số, Công dân số tạo ra Xã hội Số, Xã hội Số tạo ra Nhu cầu số, Nhu cầu số thì tạo ra Thị trường số, Thị trường Số thì tạo ra Doanh nghiệp Số và từ đó hình thành Nền Kinh tế Số.

Hoạt động của Tổ Công nghệ Số Cộng đồng là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi Số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình Chuyển đổi Số.

Theo thống kê của Cục Chuyển đổi Số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ Công nghệ Số đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.000 tổ và khoảng 350.000 thành viên, trong đó 52 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Khi người dân các địa phương được tiếp cận và sử dụng Công nghệ Số, Dữ liệu Số được sinh ra. Dữ liệu càng sử dùng, càng tăng thêm nên khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số là cách để xây dựng và phát triển kho dữ liệu số. Đồng thời, việc xây dựng, kết nối Dữ liệu Số Quốc gia là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy, tạo đột phá trong quá trình Chuyển đổi Số Việt Nam./.

Bài 1: Nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy Chuyển đổi Số Quốc gia

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục