Xây hơn 1.800 công trình thủy lợi ở Tây Nguyên

Theo Cục Thủy lợi, hiện Tây Nguyên có gần 1.820 công trình thủy lợi lớn, vừa, nhỏ để tưới cho trên 206.000ha cây trồng các loại.
Theo Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã được Nhà nước đầu tư xây dựng gần 1.820 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; trong đó, chủ yếu là hồ chứa, đập dâng .

Hệ thống thủy lợi này có khả năng tưới tiêu cho hơn 206.000ha cây trồng các loại như lúa, càphê, hồ tiêu, rau màu.

Chỉ riêng từ năm 2008 trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư cho Tây Nguyên 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng thêm 40 công trình thủy lợi, nâng diện tích tưới theo năng suất thiết kế lên hơn 287.030ha vào năm nay, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Từ chỗ chỉ có vài công trình thủy lợi nhỏ phục vụ vài ngàn ha lúa nước một vụ, nay Tây Nguyên có gần 135.920ha lúa nước hai vụ đông xuân và hè thu được đảm bảo tưới tiêu nhờ hệ thống thủy lợi rộng khắp.

Việc này đã giúp cải thiện năng suất lúa tại các tỉnh Tây Nguyên, đạt 49 tạ thóc/ha/vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và dư thừa để bán cho các địa phương khác.

Các công trình thủy lợi cũng tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên tăng nhanh diện tích càphê lên trên 450.400ha, với sản lượng mỗi năm đạt gần một triệu tấn càphê nhân, trở thành khu vực số một về cây càphê của cả nước.

Các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên ngoài việc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục thủy lợi, hầu hết các công trình thủy lợi đã được xây dựng ở khu vực Tây Nguyên là các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, không có khả năng điều tiết, diện tích tưới từ 10-100ha là phổ biến. Đa số các công trình thủy lợi ở khu vực Tây Nguyên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều công trình xây dựng không hoàn chỉnh, mới chỉ hoàn thành công trình đầu mối, thiếu hệ thống kênh dẫn nước, nên hiệu quả thấp.

Trong những năm tới, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, vừa, các tỉnh Tây Nguyên coi trọng các công trình thủy lợi nhỏ hiện có, ưu tiên đầu tư theo chiều sâu bằng các giải pháp cải tạo, mở rộng, nâng cấp để phát huy tối đa năng lực thiết kế./.

Quang Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục