Xây tượng đài, đền thờ Anh hùng tại tỉnh Đắk Nông và Bình Định

Ngày 19/5, tỉnh Đắk Nông và Bình Định lần lượt tổ chức lễ khởi công xây tượng đài, đền thờ Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và Võ Duy Dương.
Xây tượng đài, đền thờ Anh hùng tại tỉnh Đắk Nông và Bình Định ảnh 1Tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. (Nguồn: svhttdl.daknong.gov.vn)

Ngày 19/5, tại Đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Ủy ban Nhân tỉnh Đắk Nông tổ chức khởi công xây dựng tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên.

Tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên được xây dựng trong khuôn viên rộng 5,9ha, tại đồi Đắk Nur.

Tượng đài được xây dựng bằng bêtông cốt thép, có chiều cao 18,5m, rộng 25m2, gồm 3 phần: chân tượng, phù điêu và tượng Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng.

Tổng kinh phí của giai đoạn 1 gồm phần móng và hệ thống chống sét... hơn 67 tỷ đồng, chủ yếu từ sự ủng hộ của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1912-1936, Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng đã tập hợp các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng, khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài trong 25 năm, làm nên những chiến công vang dội, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…

Việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Anh hùng N’Trang Lơng và những người con ưu tú trên đất Tây Nguyên đã có công to lớn trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược cũng như tôn vinh giá trị cao đẹp của lòng yêu nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cùng ngày 19/5 tại xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã khởi công xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương.

Đền thờ được quy hoạch với tổng diện tích 10.600m2, gồm các hạng mục đền chính, bình phong, sân hành lễ, cột cờ, nhà vọng cảnh, nhà quản lý điều hành, nhà soạn lễ, khu vực nhà đỗ xe và tường rào cổng ngõ. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 13,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa và ngân sách địa phương.

Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nhấn mạnh việc xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương nhằm tỏ lòng tôn kính, tri ân và tôn vinh người anh hùng dân tộc trong buổi đầu chống Pháp; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi giá trị các di sản văn hóa dân tộc.

Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương (tức Hộ Dương), sinh năm Bính Tuất 1827, tức năm Minh mạng thứ 8 tại thôn Cù Lâm Nam, nay là thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức vào Nam khai hoang lập ấp, năm 1857, ông đã vượt biển đến vùng đất Ba Giồng, Đồng Tháp Mười chiêu dân lập đồn điền và kết bạn với Nguyễn Hữu Huân rồi trở thành một hào kiệt tại địa phương.

Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm Gia Định, sau đó dần lấn chiếm Nam Bộ, Võ Duy Dương cùng với Thủ Khoa Huân chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp và ông được phong chức Chánh quản đạo. Khi thành Gia Định bị vỡ, ông vượt biển về kinh đô Huế bái yết vua Tự Đức hiến kế đánh giặc Pháp.

Sau đó ông được điều về Quảng Ngãi dẹp cuộc nổi dậy ở Thạch Bích và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ năm 1860. Đến năm 1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tỉnh vào Nam Kỳ với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dũng chống ngoại xâm. Trong một thời gian ngắn, ông đã chiêu mộ được 1.000 người trong đó có cả lính đánh thuê thuộc quân đội Pháp.

Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hở, Đỗ Thúc Tịnh lấy vùng rừng đầm lầy Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Từ đây nghĩa quân đã dùng chiến thuật đánh du kích chống Pháp với một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá và Đồng Tháp Mười gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Giữa lúc lực lượng nghĩa quân đang quyết chiến thì Triều đình Huế đã ký Hòa ước 1862 và buộc nghĩa quân phải hạ vũ khí. Không tuân lệnh, ông bị Triều đình Huế tước bỏ binh quyền và sai người lùng bắt. Sau đó, Thủ khoa Huân, Trương Định đều hy sinh, ông cùng với các nghĩa sỹ khác kiên trì chiến đấu.

Đến tháng 4/1866, Pháp huy động lực lượng lớn tấn công, nghĩa quân rút lui khỏi Đồng Tháp Mười và phối hợp với các thủ lĩnh người Khơ me tiếp tục đánh Pháp. Tháng 10/1866 ông đã dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để liên lạc với nghĩa quân miền Trung nhưng trên đường đi đến mũi Thị Khiết thuộc cửa biển Cần Giờ, ông bị cướp biển sát hại.

Để tưởng nhớ ông tại Gò Tháp ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nhân dân đã lập Đền thờ ông và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tại quê hương ông, năm 1997 dòng họ Võ đã xây dựng Đền thờ và đến năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục