Xe máy "leo" cầu vành đai 3 bất chấp "lệnh" cấm

Các phương tiện xe máy, xe ba bánh vẫn phớt lờ lệnh cấm và "vô tư" leo lên cầu, đây là nguyên nhân của những tai nạn thương tâm.
Mặc dù tuyến đường trên cao chỉ dành cho ôtô chạy với tốc độ tối đa 80km/h sau khi tiến hành thông xe. Tuy nhiên, nhiều phương tiện xe máy, xe ba bánh vẫn phớt lờ lệnh cấm và "vô tư" leo lên cầu, đây chính là nguyên nhân của những tai nạn thương tâm.

[Thông xe đường cao tốc trên cao hiện đại nhất ở VN]

[Ôtô chạy tối đa 80km/h ở đường vành đai 3 từ 21/1]

[Tai nạn trên cầu cạn vành đai 3 làm một người chết]


Xe máy “leo” cầu, bỏ lệnh cấm

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, tại khu vực đường nhánh dẫn lên đường trên cao dọc trục Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển bất chấp có biển báo cấm các loại xe máy thản nhiên đi lên đường, chạy song song, thậm chí nhiều xe máy còn đua tốc độ với phương tiện ôtô.
 
Ngoài ra, khu vực cầu dẫn đường Phạm Hùng, nhiều người dân đã ngang nhiên đứng chờ xe khách và vô tình đã hình thành những "bến xe dù" di động trên trục đường này.

Bên cạnh đó, nhiều nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình đi các tỉnh Miền Trung và ngược lại cũng tranh thủ vắng bóng lực lượng chức năng ngang nhiên đón trả khách trên đường.

Nắm được nhu cầu của hành khách, đội ngũ xe ôm cũng bất chấp vi phạm giao thông, tụ tập từng tốp đi lai đón trả khách trên đường trên cao. Nhiều lái xe ôm còn đánh đổi tính mạng mình với tử thần bằng cách đi ngược chiều xuống đường dẫn về bến xe Mỹ Đình.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, quê Nam Trực, Nam Định trước đây vốn là xe ôm ở cổng bến xe Mỹ Đình. Sau khi tuyến đường này thông xe, nhiều người dân nhao lên cầu cạn đứng sát thành cầu đón đợi xe khách đi, khách xuống xe. Vì thế, hai ngày nay, anh Tuấn cùng cánh xe ôm nhanh chân đăng ký chỗ “tạm trú” ngay tại dải phân cách giữ làn đường để chở khách xuống xe.

Hai ngày túc trực trên cầu cạn, anh Tuấn đã chứng kiến rất nhiều xe máy chủ yếu là dân ngoại tỉnh thản nhiên đi lại trên đường.

Cũng theo anh Tuấn, mặc dù tuyến đường có cắm các biển báo hiệu hướng dẫn, chỉ đường cho các phương tiện lưu thông nhưng nhiều biển báo quá nhỏ, đặt tại vị trí không tiện cho người đi trên đường quan sát.

Mặc dù vi phạm xảy ra phổ biến trên tuyến đường cao tốc trên cao nhưng cũng chỉ có hai chiến sĩ đội Cảnh sát giao thông số 7 đứng cắm chốt ngay tại khu vực đầu đường Phạm Hùng nhằm hướng dẫn không cho xe máy đi lên đường. Ngoài ra, suốt dọc tuyến đường cầu cạn không thấy có lực lượng chức năng xử lý vi phạm.

Một chiến sĩ cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, tuyến đường này mới thông xe và đưa vào hoạt động toàn tuyến trong ngày hôm qua và theo phân công từ trước thì Đội Cảnh sát giao thông số 7 chỉ quản lý khu vực phía dưới đường trên cao khu vực đường Nguyễn Trãi.
 
“Theo phân công tạm thời lúc đường chưa thông khu vực đường trên cao thuộc quản lý của Đội Cảnh sát giao thông số 6, còn Đội Cảnh sát giao thông số 7 chỉ quản lý trật tự an toàn giao thông khu vực phía dưới đường Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến…,” chiến sỹ cảnh sát giao thông này chia sẻ.

Chỉ hướng dẫn, chưa xử phạt xe vi phạm
 
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Trung tá Lê Đức Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Công an Thành phố Hà Nội cho hay, khi đường trên cao đưa vào sử dụng, một số người thiếu ý thức tham gia giao thông đã đi xe máy lên cầu bất chấp lệnh cấm. Đây là đoạn đường trên cao rất nguy hiểm cho xe máy, người đi bộ.

“Thực tế, từ lúc đưa tuyến đường vào khai thác, Đội 7 đã bố trí lực lượng ở tất cả các điểm lên xuống cầu thuộc phạm vi quản lý để hướng dẫn, nhắc nhở lái xe máy cố tình đi lên cầu. Tuy nhiên, những lúc vắng lực lượng chức năng một số người thiếu ý thức đã đi xe máy lên cầu nên xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc,” Trung tá Tiến thừa nhận.

Nhằm siết chặt tình trạng xe máy lên thành cầu và hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, Trung tá Tiến cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng đã bố trí lực lượng, xử lý rất nhiều trường hợp xe môtô đi trên cầu và đường cấm nhưng hiện tượng này không giảm vì một số người không có ý thức.”

Đồng tình quan điểm đó, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội cho rằng, do đường trên cao mới thông xe được hai ngày nên trong những ngày đầu lực lượng Cảnh sát giao thông mới chỉ hướng dẫn tuyên truyền để người dân được biết đi đúng phần đường theo quy định.”
 
Sau khi tuyến đường trên cao đầu tiên của Thủ đô được thông xe vào ngày 21/10, Sở Giao thông Vận tải đã ra thông báo phân luồng các phương tiện qua lại trên tuyến này.
 
Cụ thể, đối với đường trên cao từ cầu vượt Mai Dịch, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yểm đến Bắc hồ Linh Đàm (đường vành đai III giai đoạn II), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, cấm tất cả các phương tiện được phép lưu thông trên đường vành đai III trên cao: dừng, đỗ xe  (trừ trường hợp dừng khẩn cấp theo quy định).
 
Đối với ôtô (xe tải, xe khách, xe con) từ cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng đi cầu Thanh Trì, đi các tuyến đường phía bắc vành đai III, được đi trên tuyến đường trên cao. Cấm xe hai bánh, xe ba, bốn bánh tự chế (xe máy, xe gắn máy, xe ba, bốn bánh tự chế, xe thô sơ) và người đi bộ lưu thông trên tuyến đường trên cao, xe hai bánh (xe máy, xe gắn máy, xe thô sơ) và người đi bộ chỉ được lưu thông theo quy định tại đường phía dưới của đường trên cao.

Ôtô từ đường trên cao từ cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm đến bắc hồ Linh Đàm và ngược lại được hoạt động bình thường xuống các điểm tiếp đất gần nhất để đi Đại lộ Thăng Long, đường trục phía bắc Hà Đông (Lê Văn Lương kéo dài), Hồ Tùng Mậu, Quốc lộ 32.

Xe tải từ cầu vượt Mai Dịch đi đường Phạm Văn Đồng đến cầu Thăng Long và ngược lại, xe tải có trọng lượng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên chỉ được hoạt động theo thời gian. Sáng từ 9 giờ đến 15 giờ. Tối từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục